Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) khảo sát nhanh trên 100 doanh nghiệp cho thấy, trong đợt dịch lần thứ tư, có đến 84% doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn. Trong đó, 40% số doanh nghiệp được hỏi thiếu vốn kinh doanh. Doanh nghiệp có thị trường bị ảnh hưởng, thu hẹp chiếm 80%. Hơn một nửa số doanh nghiệp phải cắt giảm lao động và 14% bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu.
Với các công ty khởi nghiệp, vấn đề "giữ người" và "giữ vốn" luôn là câu chuyện mang tính sống còn. Chia sẻ với VnExpress, ông Paul Espinas, CEO MoveUp cho biết, ưu tiên nhiều biện pháp bảo toàn nhân sự. Startup về đào tạo trực tuyến cảm thấy khá may mắn khi chỉ tuyển đủ nhân viên để chạy các dự án, nhờ vậy không gặp khó về việc sa thải. Thay vào đó, công ty dành nhiều thời gian và nguồn lực cho các hoạt động giúp nhân viên gắn kết với nhau nhiều hơn. Các nhân viên được khuyến khích thường xuyên online để tăng tính tương tác. Mỗi ngày, đội ngũ startup này dành 15 phút họp mặt online. Với cách làm trên, cả đội ngũ luôn đảm bảo rằng mọi người đều ổn và có thể chia sẻ, hỗ trợ nhau cho các công việc được giao.
Cùng quan điểm, ông Simon Byun - CEO ứng dụng đặt phòng khách sạn ngắn hạn Go2Joy cho rằng, đời sống của mỗi người lao động hiện nay đều khá chật vật. Startup này đặt mục tiêu bảo đảm nguồn thu nhập và kế hoạch an sinh cho mỗi nhân viên trong bộ máy. Về cơ bản, công ty không có bất kỳ động thái nào liên quan đến việc cắt giảm nhân sự hoặc thu nhập.
"Chúng tôi tin, đầu tư có trọng tâm vào con người và tối ưu chi phí cho các hạng mục hoạt động khác mới là chìa khóa đi đến sự phát triển bền vững xuyên dịch, chứ không phải là câu chuyện cắt giảm", CEO này nói.
Go2Joy hoàn tất vòng gọi vốn series A+ vào đầu năm nay nên dòng tiền đang được kiểm soát tương đối tốt. Ban lãnh đạo trước đó đã có kế hoạch chặt chẽ cho đến vòng gọi vốn tiếp theo. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất với startup hiện tại là thời gian giãn cách xã hội kéo dài hơn dự kiến rất nhiều, khiến hoạt động kinh doanh chủ lực sụt giảm mạnh. Trong khi đó, các chi phí cố định vẫn phải chi trả đều đặn hàng tháng như lương nhân viên, chi phí thuê mặt bằng, các loại thuế và bảo hiểm xã hội...
"Cán cân doanh thu và chi phí đang thiếu cân bằng dẫn đến không chỉ chúng tôi mà hầu như các doanh nghiệp khác đều rơi vào tình trạng khó khăn hơn", ông Simon Byun nhấn mạnh.
Tối ưu hóa chi phí nhiều nhất có thể là cách Go2Joy chọn nhằm tiếp tục tiến về phía trước. Nhưng theo ông Simon Byun, tối ưu hóa ở đây là tính tập trung. Trước khi vận hành một ý tưởng bất kỳ, startup này sẽ nghiên cứu và cân nhắc kỹ về tỷ trọng đóng góp cho mô hình kinh doanh và độ khả thi của dự án. Việc này giúp đội ngũ giữ được tính khách quan khi lựa chọn các hạng mục phát triển, xác định quy mô nguồn vốn, rủi ro xấu nhất có thể gặp phải cũng như các phương án khắc phục. Hiện tại, ban lãnh đạo công ty thống nhất tập trung nguồn vốn cho các hạng mục quan trọng, không dàn trải nguồn vốn quá nhiều.
Cũng chọn cách tối ưu hóa chi phí, nhưng startup về xe điện Dat Bike không ưu tiên tiết chế chi tiêu về mức tối thiểu. Thay vào đó, Dat Bike quan tâm hơn tới việc đảm bảo các kế hoạch vạch ra được điều chỉnh phù hợp và không bị chậm trễ quá nhiều về thời gian.
Theo ông Phạm Đức Nam Trung, Giám đốc tài chính và vận hành Dat Bike, nếu cắt giảm chi phí về mức tối thiếu, doanh nghiệp phải hủy khá nhiều hoạt động như tạo dựng thương hiệu, bổ sung máy móc, thiết bị hay tuyển dụng nhân sự. Lựa chọn này tuy bảo vệ được dòng tiền và nhân sự hiện hữu nhưng làm công ty chậm lại trong việc đạt các mốc quan trọng như phát triển công nghệ và sản phẩm mới, tìm kiếm thị trường... Từ đó, sự hỗ trợ của các nhà đầu tư cũng suy giảm và ảnh hưởng đến khả năng gọi vốn.
Biến cố dịch bệnh cũng giúp các nhà lãnh đạo startup rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Cá nhân CEO MoveUp nghĩ rằng Covid-19 đã dạy họ ba điều: đồng cảm, cam kết và tầm quan trọng của công nghệ trong quản lý, vận hành doanh nghiệp.
Với tình hình hiện tại, tất cả nhân sự đều phải trải qua khó khăn như nhau, dù là nhà quản lý hay bất kỳ cấp bậc nào trong công ty. Điều quan trọng bây giờ là các lãnh đạo hãy thể hiện sự đồng cảm của mình đến với nhân viên và gia đình họ. Sự cam kết cũng là bài học giá trị. Khi gặp khó khăn, quyết định của "người đầu tàu" rất quan trọng vì nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của từng thành viên. Do đó, các lãnh đạo cần mạnh mẽ, tập trung và phải thực sự tận tâm với công ty.
Còn ở Dat Bike, Covid-19 được xem là một cơ hội. Theo ông Nam Trung, các hoạt động quản lý nội bộ sẽ có khá nhiều điểm cần được tối ưu hóa khi doanh nghiệp phát triển với tốc độ cao. Đại dịch đem tới cho công ty này cơ hội để điều chỉnh và cải tiến các phương thức quản trị hiệu quả hơn.
"Nếu một nguyên tắc nào đó không phù hợp với thị trường, nó cần được thay đổi một cách nhanh nhất có thể. Tốc độ hành động của doanh nghiệp là yếu tố then chốt để giúp Dat Bike vượt qua và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn nhiễu loạn hiện nay", ông Trung nhấn mạnh.
Với Go2Joy, startup này tự rút ra hai từ khóa để "vượt cạn" mùa dịch: bình tĩnh và cân nhắc. Ông Simon Byun nhấn mạnh, tầm nhìn của startup là sự phát triển ở tương lai, nên ngay lúc này, nhà lãnh đạo cần phải cực kỳ tỉnh táo để phân tích sâu hơn về mô hình kinh doanh và cân nhắc các phương án chuyển đổi, thích nghi hoặc phát triển trên tiêu chí là "sống chung với đại dịch". Bên cạnh đó, cộng đồng startup cũng cần xích lại gần nhau hơn qua các diễn đàn sáng kiến nhằm chia sẻ, trao đổi, tận dụng nguồn lực lẫn nhau trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động. "Đồng hành và san sẻ là tinh thần mà chúng tôi muốn truyền tải qua giai đoạn khó khăn này", ông nói.
Ngoài ra, đại diện Go2Joy cũng hy vọng có được sự hỗ trợ từ Chính phủ và các cơ quan Nhà nước tạo điều kiện để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn hoặc quỹ chính sách. Song song đó, nhóm này cũng cần được hỗ trợ về hoãn, giãn nộp thuế để các startup có cơ hội sinh tồn lớn hơn và tiếp tục phát triển sau đại dịch.
Tất Đạt