Nám da là tình trạng tăng sắc tố ở hai má, đặc biệt là hai gò má. Những mảng sẫm màu xuất hiện trên gò má do sự gia tăng của sắc tố melanin. Nám da thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn so với nam giới, thường sau 30 tuổi, khi mang thai và sau sinh, trên các vị trí như hai bên gò má, mũi, cằm hoặc trán
Có nhiều nguyên nhân gây nám da như tiếp xúc ánh nắng mặt trời, di truyền, thay đổi nội tiết tố, hoặc các nguyên nhân khác như sử dụng mỹ phẩm không đúng cách, chất lượng kém, căng thẳng tâm lý, chế độ sinh hoạt không khoa học... cũng có thể gây nám.
Tùy vào mức độ, nguyên nhân gây nám mà có phương pháp điều trị khác nhau như dùng thuốc bôi, peel da, laser,... theo thạc sĩ, bác sĩ Tạ Quốc Hưng, Khoa Thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM.
Trong đó, phương pháp cổ điển nhất là thoa thuốc có chứa các hoạt chất ức chế hình thành melanin, giúp ức chế quá trình hình thành sạm nám mới, làm sáng da.
Còn peel da bằng axit glycolic, axit alpha hydroxy và axit salicylic có tác dụng loại bỏ lớp da sẫm màu trên cùng chứa các sắc tố dư thừa, thúc đẩy tái tạo lớp da mới đều, sáng màu hơn. Song, những cách này chỉ áp dụng với những người bị nám nông, ở bề mặt bên ngoài. Còn trường hợp nám sâu bên trong, các bác sĩ phải sử dụng laser.
Chiếu laser phá hủy melanin giúp mờ nám da mà không ảnh hưởng đến vùng da bình thường xung quanh. Tia laser còn kích thích tăng sinh collagen và elastin dưới da nhằm trẻ hóa da, mờ thâm, đều màu, sáng da.
Hiện, laser pico giây là phương pháp điều trị nám thường được ưu tiên sử dụng nhờ cơ chế phá hủy sắc tố chọn lọc. Phương pháp này cung cấp các xung năng lượng laser cực ngắn để nhắm đến melanin, sắc tố gây ra các vùng sậm màu trong nám. Những xung ngắn này phá vỡ các hạt melanin thành các mảnh nhỏ, hiệu quả hơn so với các loại laser truyền thống, giúp cơ thể dễ dàng loại bỏ sắc tố. Bác sĩ Hưng cho biết phương pháp này đang là xu hướng và được lựa chọn sử dụng nhiều bệnh viện trên thế giới.
Lê Nga