Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nhìn nhận Hà Nội đã qua ba tuần giãn cách xã hội, số ca dương tính ghi nhận vẫn không có dấu hiệu giảm, hoặc giảm rất ít. Tuy vậy, khi phân tích, số ca nhiễm phần lớn nằm trong khu vực cách ly hoặc khu vực phong tỏa, số phát sinh ổ dịch mới không nhiều và cũng không loại trừ số mắc vẫn còn lây lan trong khu phong tỏa.
Số liệu ba ngày gần nhất, trung bình một ngày, thành phố ghi nhận khoảng 60 ca, ít hơn một chút so với một - hai tuần trước. Cụ thể, ngày 30/7 số ca mắc nhiều nhất là 119, ngày 12/8 là 70 ca, ngày 10/8 là 62 ca, ngày 11/8 ghi nhận 40 ca.
Ông Phu nhận định "số ca nhiễm đi ngang cũng được coi là Hà Nội đã kìm hãm được sự bùng phát của dịch bệnh", không để bùng lên giống một số địa phương khác như TP HCM và các tỉnh phía Nam. "Còn thực sự để F0 trở về 0 trong thời gian ngắn thì khó. Nếu Hà Nội không ngăn chặn kịp thời, không thực hiện giãn cách sớm, thì dịch đã có thể bùng phát", ông Phu nói.
Ông đánh giá số ca nhiễm tại Hà Nội không nhiều nhưng có tính phức tạp. Thứ nhất, các ổ dịch cũ gần như được kiểm soát, song số ca mắc mới chủ yếu thuộc chùm ho sốt cộng đồng và những người liên quan (ho sốt thứ phát), lại rải rác ở nhiều quận huyện, khiến công tác khoanh vùng, truy vết gặp khó khăn.
Thứ hai, dịch đã xâm nhập vào những nơi nguy cơ như bệnh viện, siêu thị, đặc biệt là chuỗi cung ứng, hiệu thuốc... Đây là điều rất nguy hiểm vì các F0 đi nhiều nơi, dịch tễ phức tạp.
Thứ ba, nhiều ca ho sốt thứ phát lây từ những ổ dịch cũ, hôm nay xét nghiệm âm tính nhưng vài ngày sau lại dương tính... khiến số ca nhiễm chưa dừng.
"Dịch có tính phức tạp nhưng Hà Nội vẫn đang kiểm soát được. Nếu nới lỏng sớm, dân tản ra, lúc đó dịch bùng lên mạnh thì kiểm soát rất khó khăn", ông nói.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, nói rằng "số ca nhiễm những ngày gần đây tại Hà Nội có giảm nhưng chưa thực sự giảm mạnh". Có hai lý do:
Đầu tiên, rất nhiều ca tản phát trong cộng đồng, không liên quan đến nhau, không tìm được nguồn, cộng thêm sự di chuyển của người dân quá phức tạp. Trước đây, thành phố chỉ phát hiện những ổ dịch nhỏ, tập trung khu vực nội thành. Hiện, gần như tất cả quận huyện của Hà Nội đều có ca lây nhiễm, ở ngoại thành cũng ghi nhận.
Thứ hai, ý thức của người dân chưa thực sự tốt. Theo ông Tuấn, rất nhiều trường hợp có dấu hiệu ho sốt nhưng đến ngày thứ 5, thứ 6 mới đi khám. Điều này một phần do tâm lý e ngại, sợ ra ngoài, phần khác vì người dân ngại đi lấy mẫu, bởi lỡ phát hiện dương tính thì phải đi cách ly.
"Sự trì hoãn đó chính là thời điểm gây lây lan mầm bệnh ra ngoài", ông nói.
Vừa qua, Hà Nội đã triển khai xét nghiệm sàng lọc các đối tượng nguy cơ trong cộng đồng tại 30 quận, huyện trên địa bàn. Trong đó, thành phố tập trung ưu tiên xét nghiệm RT-PCR cho "nhóm đỏ" là các khu vực trong các xã, phường nguy cơ rất cao và nguy cơ cao, các đối tượng nguy cơ cao căn cứ theo yếu tố dịch tễ, các đối tượng di chuyển nhiều, tiếp xúc nhiều như chuỗi cung ứng, chợ, lực lượng tham gia phòng, chống dịch, công nhân, bảo vệ các tòa nhà...
"Nhóm da cam" là các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị, chợ, siêu thị, bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh...
"Nhóm xanh" là các đối tượng ít di chuyển tại khu vực không có dịch.
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, các quận đang triển khai lấy mẫu gồm Ba Đình, Đông Anh, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Trì, Thanh Xuân, Thường Tín, Hà Đông... Mỗi quận chia làm hai thành phần gồm mẫu lấy ở khu vực nguy cơ và mẫu của người có nguy cơ theo phân loại của thành phố. Tổng số mẫu xét nghiệm cộng dồn đến sáng 13/8 là 186.000, trong đó, 18 mẫu dương tính, 104.112 mẫu âm tính, số còn lại chưa có kết quả.
Ông Phu cho rằng giãn cách là để cắt đứt chuỗi lây nhiễm giữa người mang mầm bệnh và người không mang mầm bệnh. Nếu Hà Nội nghiêm ngặt các hoạt động về giãn cách, đặc biệt người dân thực hiện tốt 5K, thì những ca bệnh lẩn khuất tự cắt được chuỗi lây nhiễm. Ông khuyên trong những ngày giãn cách, người dân không nên sốt ruột mà cần bình tĩnh và tuân thủ các quy định phòng chống dịch, thực hiện nghiêm những phương án chống dịch của thành phố.
Để kiểm soát tốt dịch bệnh trước ngày 25/8, TP Hà Nội sẽ xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng với 1,3 triệu mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR và dự kiến hai triệu test nhanh. Bên cạnh đó, việc xét nghiệm cho những người có triệu chứng ho, sốt... qua khai báo y tế vẫn được các đơn vị liên quan thực hiện.
Chuẩn bị cho việc xét nghiệm sàng lọc diện rộng, Hà Nội nâng năng lực xét nghiệm đạt trên 200.000 mẫu/ngày và trả kết quả xét nghiệm nhanh nhất. Ngoài ra, thành phố huy động các cơ sở, lực lượng y tế của Trung ương, công an, quân đội, ngoài công lập và các nguồn lực xã hội cùng nhân dân trên địa bàn tham gia chiến dịch lấy mẫu, xét nghiệm.
Cổng giao tiếp điện tử UBND TP Hà Nội dẫn đánh giá của lãnh đạo Sở Y tế, nêu đây là đợt lấy mẫu xét nghiệm lớn nhất từ trước đến nay trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ngành y tế thủ đô quyết tâm thực hiện nhanh nhất kế hoạch để đạt được mục tiêu phát hiện, khoanh vùng ổ dịch, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, truy vết triệt để F1.
Về việc tiêm vaccine Covid-19, theo ông Phu, Hà Nội đặt việc tiêm chủng là một trong những vấn đề ưu tiên, tuy vậy vẫn phải làm theo kế hoạch bài bản, tiêm nhanh và tiêm đúng đối tượng, phù hợp với lượng vaccine được cấp.
Thúy Quỳnh - Chi Lê