Phương án nâng số giường điều trị bệnh nhân Covid-19 vừa, nặng và nguy kịch lên 8.000 giường, vừa được UBND thành phố Hà Nội thông qua, đại diện Sở Y tế Hà Nội xác nhận với VnExpress sáng 9/8.
Trong đợt dịch này, số liệu của Bộ Y tế cho thấy khoảng 80% người bệnh không triệu chứng, 20% ở mức độ vừa, nặng, nguy kịch, 5% cần điều trị hồi sức tích cực. Xây dựng kịch bản ứng phó tình huống 40.000 ca nhiễm, Sở Y tế Hà Nội ước tính trong khoảng 8.000 người bệnh triệu chứng vừa và nặng, có 6.000 ca ở mức độ vừa, 2.000 ca nặng và nguy kịch. Do đó, kịch bản tập trung chuẩn bị giường bệnh cho số người có triệu chứng ở mức độ vừa trở lên, phù hợp bối cảnh dịch bệnh.
Kịch bản được thực hiện theo ba giai đoạn, gồm:
Giai đoạn một 2.000 giường điều trị, đáp ứng tình huống 10.000 người mắc Covid-19. Trong đó, 500 giường dành cho các bệnh nhân nặng và nguy kịch, do bệnh viện Đức Giang và Thanh Nhàn chuẩn bị, mỗi nơi 250 giường. 1.500 giường còn lại điều trị bệnh nhân Covid-19 triệu chứng vừa, do các bệnh viện Sơn Tây, Vân Đình, Phú Xuyên, Quốc Oai, Mê Linh, Chương Mỹ chuẩn bị.
Giai đoạn tiếp theo, 4.000 giường bệnh, chuẩn bị cho tình huống 20.000 ca. Lúc này, thêm bệnh viện Xanh Pôn và Hà Đông tham chiến điều trị bệnh nhân nặng, mỗi bệnh viện 250 giường. 6 bệnh viện gồm Sóc Sơn, Đan Phượng, Hoài Đức, Thạch Thất, Thanh Oai, Mỹ Đức chuẩn bị 1.500 giường, điều trị các bệnh nhân Covid-19 nhẹ hơn.
Giai đoạn thứ ba, 8.000 giường bệnh, ứng phó với kịch bản 40.000 ca. Khi đó, Hà Nội nhờ các bệnh viện trung ương, bộ, ngành hỗ trợ điều trị 1.000 ca nặng và nguy kịch. 16 bệnh viện khác chuẩn bị tổng cộng 3.000 giường cho người bệnh mức độ vừa, gồm Ung bướu, Đông Anh, Hòe Nhai, Y học cổ truyền Hà Nội, Y học cổ truyền Hà Đông, Phục hồi chức năng, Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba, Phúc Thọ, Thanh Trì, Phụ sản, Gia Lâm, Bắc Thăng Long, Tim.
Hà Nội cũng phân chia bệnh nhân thành bốn cấp độ, tương ứng với bốn tầng điều trị. Như vậy, các bệnh viện trong kịch bản được phân vào bốn tầng như sau:
Tầng một là bệnh viện dã chiến thành lập trên cơ sở các khu cách ly tập trung, hiện gồm Khu nhà ở sinh viên Khu cách ly Pháp Vân - Tứ Hiệp với 3.000 giường; Khu tái định cư Đền Lừ 3, Hoàng Mai, quy mô khoảng 1.500 giường và một số cơ sở khác. Các bệnh viện này điều trị người bệnh không triệu chứng.
Tầng hai là các bệnh viện đa khoa tuyến huyện và một số bệnh viện chuyên khoa, ví dụ Sơn Tây, Vân Đình, Phú Xuyên, Quốc Oai, Mê Linh, Chương Mỹ, Hòe Nhai, Y học cổ truyền Hà Nội, Y học cổ truyền Hà Đông... Những bệnh viện này điều trị người bệnh có triệu chứng, ở mức độ vừa, có bệnh nền.
Tầng 3 và 4 là các bệnh viện Đức Giang, Thanh Nhàn, Hà Đông, Xanh Pôn và bệnh viện tuyến trung ương, bộ, ngành. Nhóm này sẽ đảm nhận bệnh nhân nặng và nguy kịch.
Tính từ ngày 5/7 đến 12h trưa 9/8, Hà Nội ghi nhận 1.562 ca nhiễm. Tổng ca nhiễm tích lũy từ đầu đợt dịch thứ tư là 1.831, không tính số ca nhiễm ghi nhận tại các bệnh viện tuyến Trung ương.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật họp với Sở Y tế Hà Nội ngày 8/8, đánh giá dịch bệnh tại thành phố còn diễn biến phức tạp, chưa có xu hướng giảm. Vì vậy, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tăng cường xét nghiệm sàng lọc cộng đồng để phát hiện ca bệnh, thời gian dự kiến trong 7 ngày từ 10-17/8, tổng số mẫu cần lấy ước tính là 300.000.
Chi Lê