Sau 18 tháng đàm phán bí mật, với sự hậu thuẫn của Vatican và Canada, thông qua một cuộc điện đàm, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đã nhất trí về việc trao đổi tù nhân và thành lập các đại sứ quán.
Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 17/12 ông Obama tuyên bố bình thường hóa quan hệ, chấm dứt những gì mà ông gọi là chính sách cứng nhắc và lạc hậu nhằm cô lập Cuba nhưng lại không tạo ra được sự thay đổi nào đối với quốc đảo này.
Tuy nhiên, theo AP, để hiện thực hóa quá trình này cần thời gian bởi còn rất nhiều việc phải làm.
Khôi phục hoàn toàn quan hệ ngoại giao
Việc trao đổi công hàm ngoại giao giữa Washington và Havana có thể bình thường hóa mối quan hệ hai nước, nhưng trước đó, người ta phải thông qua một loạt thỏa thuận sơ bộ riêng biệt, chi phối mối quan hệ đôi bên.
Các cuộc đàm phán cấp cao để đi đến thống nhất thỏa thuận sơ bộ sẽ bắt đầu vào cuối tháng một năm sau ở Havana. Đây sẽ là một phần trong phiên đối thoại giữa Mỹ và Cuba, được lên kế hoạch từ trước, nhằm bàn thảo quanh vấn đề nhập cư.
Bà Roberta Jacobson, nhà ngoại giao số một về châu Mỹ, trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Tây Bán cầu, dẫn đầu phái đoàn của Washington đến Cuba, hôm qua trao đổi với phóng viên cho biết, tiến trình này được thực hiện theo các cách thức rất "cơ học". Nó hoàn toàn độc lập, không phụ thuộc vào việc hai bên có đạt đến những hiệp ước chung quanh các vấn đề mà Mỹ quan ngại hay không, đặc biệt là về hồ sơ nhân quyền của Cuba.
Đồng thời cuộc đàm phán lần này cũng không nhằm dàn xếp những khiếu nại pháp lý mà Mỹ và Cuba dành cho nhau. Mặc dù vậy, ông Obama vẫn kiên định cho rằng cải thiện điều kiện nhân quyền và giải quyết các vấn đề gây tranh cãi, như việc kiện tụng, là mục tiêu hàng đầu.
Quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Cuba bị cắt đứt vào năm 1961 nhưng được khôi phục một phần vào năm 1977 khi Washington và Havana nhất trí thành lập các cơ quan đại diện lợi ích của mỗi bên tại hai quốc gia. Thụy Điển, bên trung gian, bảo vệ quyền lợi của mỗi nước chịu trách nhiệm quản lý những cơ sở này. Sau khi khôi phục hoàn toàn quan hệ ngoại giao, các cơ quan đại diện lợi ích này sẽ được chuyển đổi thành đại sứ quán.
Mở lại sứ quán và chọn đại sứ
Theo Hiến pháp Mỹ, cơ quan hành pháp có quyền quyết định mở hay đóng các cơ sở ngoại giao. Để thành lập sứ quán tại Havana, Quốc hội cần thông qua ngân sách chi trả cho quá trình này, đồng thời Thượng viện cũng phải phê duyệt việc chọn đại sứ. Một vài thượng nghị sĩ phản đối quyết định thay đổi chính sách đối với Cuba của ông Obama đã đe dọa không cấp kinh phí cho sứ quán Havana và ngăn cản việc chọn đại sứ.
Quốc hội trong suốt 37 năm đã phê duyệt ngân sách cho cơ quan đại diện lợi ích của Mỹ ở Havana, vì thế nhiều quan chức chính phủ tin rằng họ sẽ không từ chối chi trả kinh phí cho việc chuyển đổi. Bộ Ngoại giao cho biết họ đã lên kế hoạch để dùng tòa nhà mà cơ quan đại diện lợi ích Mỹ đang sử dụng ở Cuba, đồng thời kỳ vọng số tiền để duy trì sứ quán mới sẽ không vượt quá nhiều so với mức chi trả hiện nay.
Việc chọn đại sứ có lẽ mới là vấn đề khó giải quyết hơn, theo AP. Một thượng nghị sĩ không đồng thuận hoàn toàn có khả năng ngăn cản việc đề cử ứng viên. Các quan chức chính phủ cho rằng những ứng viên sẽ phải đối mặt với một quá trình xác nhận khó khăn nhưng nhấn mạnh một phó trưởng đoàn ngoại giao hay một đại biên lâm thời thường có thể đảm nhận các chức năng của một đại sứ. Theo nguồn tin từ chính quyền, đại sứ quán có thể được mở "trong vài tháng" nhưng lịch trình ra sao sẽ bị chi phối bởi tiến độ bình thường hóa quan hệ.
Chấm dứt lệnh cấm vận, xóa tên Cuba khỏi danh sách "nước tài trợ khủng bố"
Cơ quan Hành pháp Mỹ không có quyền loại bỏ lệnh cấm vận năm 1963 nhưng có thể tiến hành những động thái nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của nó. Quốc hội mới là bên đưa ra quyết định có chấm dứt lệnh cấm vận hay không. Giới chức Mỹ cho biết họ không đặt kỳ vọng quá cao rằng điều này sẽ sớm trở thành hiện thực. Tuy nhiên, một chính sách giúp nới lỏng lệnh trừng phạt cuối cùng sẽ tạo ra những điều kiện cần thiết, giúp thuyết phục những bên phản đối bình thường hóa quan hệ cuối cùng cũng bỏ phiếu đồng thuận chấm dứt cấm vận.
Bên cạnh lệnh cấm vận, những trừng phạt đối với Cuba còn liên quan tới các đạo luật khác, trong đó có việc Cuba đang nằm trong danh sách "các nước tài trợ khủng bố" của Mỹ. Tình trạng này hạn chế các nguồn viện trợ nước ngoài đến Cuba, cấm Havana xuất khẩu hay bán vũ khí, thiết bị quốc phòng, đồng thời đặt ra nhiều hạn chế về tài chính và du lịch. Ông Obama cho biết đã yêu cầu Ngoại trưởng John Kerry bắt đầu quá trình xem xét trong 6 tháng để loại Cuba khỏi danh sách trên.
Nới lỏng trừng phạt
Tuyên bố nới lỏng kiểm soát về thương mại, đi lại và tiền tệ đối với Cuba được đưa ra hôm 17/12 sẽ không có hiệu lực cho đến khi Bộ Tài chính và Thương mại rà soát lại các điều khoản và công bố bản sửa đổi trên Tạp chí Đăng ký Liên bang. Quá trình này có thể kéo dài hàng tuần.
Chính quyền ông Obama cho biết những quy định về du lịch ở Cuba sẽ được nới lỏng, cho phép tự do đi lại tại các khoản mục mà trước đây luật yêu cầu phải có giấy phép đặc biệt. Các đơn vị kinh doanh viễn thông và Internet liên quan đến Cuba còn được miễn thủ tục này.
Bên cạnh đó, công dân Mỹ có gia đình ở Cuba được phép gửi cho người thân số tiền từ 500 đến 2000 USD trong một quý. Người Mỹ du lịch Cuba sẽ được mua hàng tại đây với điều kiện tổng giá trị không vượt quá 400 USD và không quá 100 USD đối với rượu, thuốc lá.
Vũ Hoàng (theo AP)