Cuộc đi săn bắt đầu bằng một màn rượt đuổi, 12 con cá voi sát thủ bơi quanh con mồi cho tới khi nó thấm mệt. Khi mục tiêu bơi chậm dần, càng nhiều cá voi sát thủ nhập cuộc, 20 hàm răng tranh nhau cắn xé thịt tươi. Vài phút sau, những kẻ săn mồi hợp sức dìm con mồi xuống nước. Con vật không thể ngoi lên. Đây không phải là cuộc đi săn thông thường. Cảnh săn mồi ở vịnh Bremer phía tây nam Australia, là lần đầu tiên con người quan sát cá voi sát thủ săn thành công và ăn thịt một con cá voi xanh nguy cấp, loài động vật lớn nhất hành tinh.
Các nhà khoa học mô tả tổng cộng 3 lần săn cá voi xanh vào tháng 3 và tháng 4/2019 và tháng 3/2021, theo nghiên cứu mới công bố hôm 21/1 trên tạp chí Marine Mammal Science. "Đây là cuộc đi săn lớn nhất hành tinh, loài săn mồi lớn nhất hành tinh hạ gục con mồi lớn nhất", Robert Pitman, nhà sinh thái học hải dương ở Viện động vật biển có vú thuộc Đại học Oregon, đồng tác giả nghiên cứu, nhận xét.
Cá voi sát thủ ăn thịt gần như mọi loài cá voi lớn khác trên thế giới, dù phần lớn vụ tấn công nhằm vào con non. Phần lớn mô tả đến từ các quan sát viên nghiệp dư, ghi hình bằng điện thoại di động hoặc drone. Trong một video quay bằng drone năm 2017 ở ngoài khơi Monterey, California, cá voi sát thủ tấn công cá voi xanh nhưng không giết chết nó, theo David Donnelly, nhà nghiên cứu hải dương ở Viện nghiên cứu cá heo Australia.
Cá voi sát thủ thường xuất hiện ở vịnh Bremer từ năm này qua năm khác. Đáy biển ở vịnh Bremer có một hẻm sâu đưa dòng nước lạnh nhiều dưỡng chất lên bề mặt, giúp duy trì chuỗi thức ăn đa dạng từ sinh vật phù du, cá ngừ vây xanh phương nam, cá hồi tới cá nhà táng, cá voi có mỏ hiếm gặp và nhiều loài cá mập.
Trong hai lần săn mồi, cá voi sát thủ nhắm vào con non, bao gồm cá thể mới sinh và con non một năm tuổi. Trong lần săn mồi thứ ba, cá voi sát thủ tấn công con trưởng thành khỏe mạnh, dài khoảng 18 - 21 m. Con cá voi sát thủ lớn nhất chỉ dài khoảng 9 m. Các nhà khoa học không có cơ hội lấy mẫu vật cá voi bị săn giết, nhưng dựa theo thời gian trong năm, vị trí và hướng di chuyển của cá voi, nhóm nghiên cứu phỏng đoán chúng là cá voi xanh pygmy, phân loài nhỏ dài khoảng 24 m.
Vậy cá voi sát thủ làm thế nào để đoạt mạng một con vật lớn hơn gấp đôi? Mấu chốt nằm ở quan hệ gia đình. Cá voi sát thủ sống theo bầy với quan hệ khăng khít, đứng đầu là bà, mẹ, hoặc dì của chúng. Chúng học hỏi từ nhau và hợp tác để sinh tồn. Ví dụ, 50 cá thể tham gia rượt đuổi trong những cuộc săn mồi này và nhiều nhóm nhỏ phối hợp với nhau. Chúng thường xuyên hoán đổi vai trò, cắn và cuối cùng dìm chết con mồi.
Các bầy cá voi sát thủ sống lâu ngang tuổi của con người hoặc hơn, và chúng phối hợp săn mồi cùng nhau suốt nhiều thập kỷ", Pitman cho biết. "Chiến thuật săn mồi của chúng rất giống chó sói. Bạn có thể học hỏi nhiều về cách hoạt động cùng nhau khi thực hành theo nhóm".
Đối với Pitman, hoạt động săn mồi trên là tín hiệu tích cực đối với số lượng cả hai loài. Giới nghiên cứu chưa rõ số lượng cá voi sát thủ sống ở mọi đại dương trên thế giới. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đưa cá voi xanh vào danh mục nguy cấp bởi nạn đánh bắt cá voi trong thế kỷ 20, nhưng số lượng của chúng đang tăng đều từ thập niên 1960. Đây là loài được bảo vệ trên toàn cầu và có khoảng 5.000 - 15.000 cá voi xanh còn sống ngày nay, theo IUCN.
Theo Pitman, có thể cá voi sát thủ thường ăn thịt cá voi xanh, nhưng số lượng cá voi xanh giảm mạnh vào thế kỷ trước khiến cá voi sát thủ phải chuyển sang con mồi khác. Những quan sát trên có thể là bằng chứng cá voi sát thủ quay trở lại thói quen cũ khi nguồn thức ăn quen thuộc được khôi phục. Pitman cho rằng, ít có khả năng các vụ tấn công của cá voi sát thủ đe dọa quá trình phục hồi của cá voi xanh.
An Khang (Theo National Geographic)