Thế giới đã ghi nhận 200.896.710 ca nhiễm nCoV và 4.268.356 ca tử vong, tăng lần lượt 744.033 và 11.333, trong khi 180.882.790 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Indonesia là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á và thứ 14 thế giới với 3.532.567 ca nhiễm, tăng 35.867 ca so với hôm trước. Quốc gia này hôm 4/8 ghi nhận 1.747 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 100.636, trong khi các chuyên gia y tế tin rằng con số thực có thể cao hơn nhiều.
"Indonesia cần một cuộc thống kê toàn diện về số ca tử vong do Covid-19", Defriman Djafri, nhà dịch tễ học Đại học Andalas ở Padang, Tây Sumatra, nói. Ông nhấn mạnh nhiều người chết do không được điều trị kịp thời.
Số ca nhiễm ở Indonesia hồi cuối tháng 5 là 50.000, nghĩa là số ca tử vong đã tăng gấp đôi từ khi đó. Thiếu xét nghiệm và truy vết khiến số người chết thêm nghiêm trọng, theo Masdalina Pane, chuyên gia thuộc Hiệp hội Dịch tễ học Indonesia.
"Bệnh nhân tới viện trong tình trạng nặng hoặc nguy kịch. Họ tới viện chờ chết", bà nói.
Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, ghi nhận tổng số người chết cao thứ 12 toàn cầu, sau Mỹ, Ấn Độ và Brazil. Đất nước này hiện dẫn đầu thế giới về số ca tử vong mới theo ngày, cứ 5 ca tử vong toàn cầu thì Indonesia chiếm một ca.
Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho hay tuần này xuất hiện dấu hiệu cho thấy làn sóng Covid-19 thứ hai ở Indonesia đã lên tới đỉnh, đặc biệt ở nhiều khu vực tại đảo Java đông dân. Dù số ca nhiễm giảm dần ở một số khu vực, Tổng thống Joko Widodo cho rằng hạn chế di chuyển áp dụng từ đầu tháng 7 vẫn kéo dài tới 9/8 tại những khu vực được quy định, bao gồm Jakarta.
Indonesia khởi động chiến dịch tiêm chủng đầy tham vọng từ tháng 1 với mục tiêu tiêm chủng cho 208 triệu người trong năm tới, nhưng tới nay chưa hoàn thành 11% mục tiêu do thiếu nguồn cung và vận chuyển khó khăn.
Nhật Bản, quốc gia đang đăng cai Thế vận hội 2020, hôm 5/8 cảnh báo ca nhiễm nCoV đang gia tăng với tốc độ chưa từng có, khi số ca nhiễm ở Tokyo đạt kỷ lục mới, làm lu mờ Olympic và tăng thêm nghi ngờ về cách chính phủ ứng phó đại dịch.
Nhật Bản ghi nhận 956.407 ca nhiễm và 15.219 ca tử vong, tăng lần lượt 11.644 ca và 15 ca. Thủ đô Tokyo báo cáo 4.166 ca nhiễm mới, con số cao kỷ lục. Nhiều cuộc thăm dò cho thấy người dân Nhật Bản phản đối tổ chức Olympic trong khi quốc gia tụt hậu trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch và tiêm chủng. Tuy nhiên, chính quyền Thủ tướng Suga và Ủy ban Olympic cho rằng không có mối liên hệ nào giữa thời gian diễn ra thế vận hội và số ca nhiễm gia tăng đột biến.
Cố vấn y tế cấp cao Shigeru Omi cho rằng việc đăng cai Thế vận hội có thể ảnh hưởng tới tình cảm của người dân, làm giảm hiệu quả của lời kêu gọi ở yên trong nhà của chính phủ. Ông nhận định nên áp đặt tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc để đối phó đại dịch. Tình trạng khẩn cấp đã được áp dụng tại một số quận, bao gồm Tokyo.
Anh, vùng dịch lớn thứ 6 thế giới, báo cáo 5.952.756 người nhiễm và 130.000 người chết, tăng lần lượt 28.936 và 119 trường hợp.
Chính phủ Anh hôm 4/8 thông báo tiêm vaccine cho tất cả thanh thiếu niên 16 và 17 tuổi, nhưng không tiêm cho thanh thiếu niên khỏe mạnh ít tuổi hơn như ở nhiều nước phương Tây khác.
Phó giám đốc y tế Anh Jonathan Van-Tam cho hay ông muốn cơ quan y tế công của Anh (NHS) bắt đầu tiêm chủng cho lứa tuổi này "càng nhanh càng tốt". "Chương trình đã chuẩn bị kỹ lưỡng nhiều kịch bản và lựa chọn trong nhiều tuần, tôi hy vọng nó sẽ sớm bắt đầu trong vài tuần tới", ông nói.
Các chuyên gia y tế hoan nghênh động thái này. Russell Viner, giáo sư Sức khỏe Trẻ em và Vị thành niên tại Đại học London, gọi đây là "bước đi hợp lý". Anh đã tiêm ít nhất một mũi cho 89% dân số trưởng thành, trong đó gần 2/3 tiêm đủ hai mũi.
Từ khi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế virus ở Anh hôm 19/7, số ca nhiễm mới theo ngày giảm dần, làm dấy lên hy vọng vaccine sẽ đánh bại đại dịch thành công tại quốc gia này.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)