6 năm học Y Hà Nội, Nguyễn Hoàng Thiêm (Thái Bình) vẫn còn nhớ như in cảm xúc về ca trực đầu tiên khi là sinh viên năm thứ ba (Y3). Hôm ấy sau giờ học buổi chiều ở trường, Thiêm cất vội sách vở, quần áo chỉnh tề, ra bắt xe buýt đến Bệnh viện Bạch Mai cho đúng lịch trực. "Không biết có kịp giờ trực không nên mình phải đi sớm, đến viện rồi mới dám tính đến chuyện ăn uống”, Thiêm chia sẻ. Đó là ca trực đầu tiên nên cậu cảm thấy vô cùng háo hức.
Sinh viên Đại học Y Hà Nội khi trực ở bệnh viện phải có mặt từ 18h chiều hôm trước và kết thúc 7h sáng hôm sau. Một tua trực khoảng 30 người, chia ra làm bốn phòng. Sinh viên khóa trên trực tiếp hướng dẫn cho sinh viên khóa dưới. Đối với sinh viên Y3, Y4 như Thiêm, công việc chính khi bắt đầu học lâm sàng là thăm hỏi bệnh nhân, chẩn đoán bệnh và làm bệnh án.
Khoảng 18h, Thiêm được một anh sinh viên năm cuối dẫn đi theo buồng bệnh nhân. Nhóm gồm 20 người là các bác sĩ chuyên khoa 1, bác sĩ nội trú và điều dưỡng cùng sinh viên, lần lượt vào từng khoa phòng, nghe đọc tên từng bệnh nhân, tóm tắt tiểu sử, triệu chứng bệnh, xét nghiệm, chẩn đoán, tiên lượng xem đêm nay bệnh nhân nào có thể nguy hiểm. Thiêm tập trung lắng nghe, ghi chép vào sổ tay. Sau khoảng một giờ, Thiêm được phân công theo dõi, thăm hỏi và làm bệnh án cho ba bệnh nhân.
"Áp lực lớn nhất lại xuất phát từ chính sự lúng túng của bản thân khi đứng trước người bệnh", Thiêm chia sẻ. Lần đầu tiên trực tại Bệnh viện Bạch Mai, nhiều sinh viên không biết làm bệnh án. Trước khi đi thực tập, sinh viên đã được học về bộ môn tiền lâm sàng. Họ được dạy tỉ mỉ về các bước hỏi bệnh nhân như: “Đau ở đâu? Đau khi nào? Đau như thế nào? Đau có tăng lên và lan sang các chỗ khác không? Đã điều trị ở đâu chưa?”... Thế nhưng khi thực hành, Thiêm lại cảm thấy rất lúng túng.
"Mình cảm thấy họ rất đau nên sợ làm phiền họ khi hỏi quá nhiều. Có những bác bệnh nhân tỏ ra khó chịu khi mình lại gần làm mình rất áp lực, không dám hỏi", Thiêm chia sẻ. Ngày đầu tiên, chàng trai phải mất nửa giờ để hỏi bệnh trạng của một bệnh nhân.
Quầy tiếp đón bệnh nhân tại viện có rất nhiều sinh viên thực tập như Thiêm ngồi ghi bệnh án. Mỗi bệnh án, Thiêm ghi phải mất một giờ. Chỗ nào không biết hoặc không nắm rõ bệnh tình, Thiêm lại vào hỏi lại bệnh nhân. Tuy nhiên, áp lực là vậy nhưng hầu hết sinh viên Y3 đều thấy rất thích thú và hào hứng với công việc của mình. “Viết một chữ lại chạy vào hỏi một chữ”, Thiêm vui vẻ kể.
Thỉnh thoảng trong ca trực có những bệnh nhân nửa đêm đau đầu, Thiêm lại cặp nhiệt độ, đếm mạch rồi báo cho các thực tập sinh lớn hơn, sau đó chăm chú đứng quan sát các anh chị khóa trước thăm khám cho bệnh nhân. Cứ như vậy đến 12h đêm, sau đó nhóm sinh viên thực tập chia làm hai ca để tranh thủ nghỉ ngơi. Một ca trực từ 24h đến 3h và từ 3h đến 6h sáng. Thiêm trực ca 2.
Chỗ ngủ là căn phòng giao ban vào mỗi buổi sáng rộng chừng 30 m2 với nhiều ghế. Có 6 sinh viên thực tập đang tranh thủ nghỉ tại đây. Một vài người trải thùng carton xuống nền đất nằm ngủ. Thiêm và một vài bạn khác kê ghế. “Chỉ cần 3 chiếc ghế nhựa đặt đúng 3 vị trí đầu, mông và phần bàn chân, thế mà cũng ngủ được”, Thiêm cho biết. “Khổ nhất là với sinh viên nữ, lịch học lịch trực căng thẳng khiến các bạn không còn thời gian quan tâm ngoại hình”.
Buổi đầu tiên trực, hầu hết sinh viên háo hức không ngủ được. Thiêm nằm nghĩ đến những bệnh nhân mình vừa tiếp xúc, về bệnh tình, hoàn cảnh của họ và chờ đến 3h sáng để đến lượt thăm khám lại cho họ. Cảm xúc này chỉ có được khi lần đầu trực bệnh viện. Những lần trực khác, theo Thiêm "càng về sau càng mệt". Mỗi lần đi trực, nếu rảnh được thời gian nào là các bác sĩ tương lai có thể ngủ ở bất kỳ đâu và trong tư thế nào, chỉ cần có chỗ đặt lưng xuống là ngủ được luôn.
Hôm ấy 3h sáng Thiêm bắt đầu ca trực 2, có một bệnh nhân bị tai nạn giao thông từ tuyến tỉnh chuyển vào cấp cứu. Chứng kiến bệnh nhân chấn thương nặng nề, chàng sinh viên thấy sợ và ám ảnh.
“Buồn nhất có lẽ là chứng kiến những cái chết”, Thiêm lặng người. Bệnh nhân cận kề cái chết, đứng nhìn sự nỗ lực cấp cứu dù rất mong manh của các bác sĩ , Thiêm “nổi da gà, vì cái chết đến bất ngờ quá”. Tiếng gào khóc của người nhà bệnh nhân khi người thân qua đời cất lên trong không gian yên ắng nửa đêm của bệnh viện. “Về đến nhà mà tay chân vẫn còn run, nhắm mắt ngủ vẫn hình dung lại, sợ run người”, Thiêm chia sẻ. Cái chết ám ảnh chàng trai trẻ cho đến những ngày sau.
Kỷ niệm Thiêm nhớ nhất là những lần đầu tiên khâu vết thương cho bệnh nhân. Thông thường, đây là việc của điều dưỡng, “nhưng là thực tập sinh ai chả muốn khâu một lần”. Lúc đó, Thiêm phải áp dụng tất cả kiến thức trong khi học, “tim đập thình thịch mà tay không được phép run”. 30 phút, Thiêm đã khâu xong ba mũi tại vết thương nhẹ phía cánh tay bệnh nhân.
7h30 sáng hôm sau, sau khi giao ban cả khoa, Thiêm lại trở về trường tiếp tục công việc học tập của mình. "Mệt nhưng rất vui", Thiêm chia sẻ. Với Thiêm và các bạn sinh viên Y3, cảm xúc về ca trực đầu tiên là đan xen của sự háo hức, vui sướng, hồi hộp, lo lắng. Sáng đi lâm sàng, chiều học lý thuyết đến tối trực ở bệnh viện, dần dần mỗi sinh viên y quen với nếp ăn uống vội vã, giấc ngủ chập chờn, đồng hồ sinh học của cơ thể bị xáo trộn vì bộn bề công việc. Tuy nhiên, "chúng tôi đều cảm thấy tự hào với mỗi hành động giúp cho bệnh nhân", bác sĩ tương lai tâm sự.
Thúy Quỳnh