Phòng xác phục vụ cho bộ môn giải phẫu của Đại học Y Hà Nội nằm trên tầng hai phố Tăng Bạt Hổ, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Hôm nay là buổi thực hành đầu tiên của 25 sinh viên chuyên ngành Răng Hàm Mặt, tất cả đều là sinh viên năm nhất lần đầu tiên nhìn thấy xác người.
Thầy giáo mở cửa. Trần Hoàng Thu Thủy (Hưng Yên) một tay bịt mũi, tay còn lại đặt lên ngực trấn tĩnh. Một vài người bạn trong lớp đeo vội chiếc khẩu trang y tế. Vài bạn khác xúm lại nắm chặt tay nhau vì hồi hộp. Căn phòng lạnh lẽo và sực mùi formol. Thủy chia sẻ: “Ngửi mùi hóa chất bốc lên làm em buồn nôn, chỉ muốn chạy ra ngay”.
Căn phòng rộng khoảng 100 m2 có hai thi thể đã khô, màu xám, được ngâm trong formol nên vẫn còn giữ được hình dáng. Nhiều năm qua, các khóa sinh viên học giải phẫu đều thị phạm trên hai thi thể này. Theo lời giới thiệu của thầy giáo, thuở còn sống hai người đã tình nguyện hiến xác của mình để phục vụ công tác học tập, nghiên cứu khoa học của sinh viên y khoa. Tại đây còn có hàng chục tiêu bản là những bộ phận trên cơ thể người được cắt ra, đựng trong bình thủy tinh. Các bình sắp xếp gọn gàng trên các kệ sắt, giúp sinh viên có cái nhìn trực quan nhất về cấu trúc cơ thể người.
Thủy chỉ dám đứng từ xa chứ không lại gần. Các sinh viên đã được phổ biến quy định: không sờ vào thi thể, phải dùng phanh kẹp, không nghịch xác, thi thể quấn băng không được mở mặt ra xem, không di chuyển lung tung.
Buổi học đầu tiên, thầy giáo dạy về các chi tiết giải phẫu trên xương, xác và mô hình. “Giải phẫu dạy cho sinh viên biết được cấu trúc cơ bản của con người, hiểu được từng bộ phận mới có thể phẫu thuật được, chữa bệnh được cho người dân”, thầy nói. Do điều kiện về thời gian và số lượng thi thể không cho phép, các sinh viên chỉ được quan sát thầy giáo thực hành.
25 sinh viên được yêu cầu tiến lại gần để quan sát thầy phẫu tích bộc lộ các mạch máu, dây thần kinh trên xác. Tuy nhiên, là con gái lại sợ ma, Thủy và một vài bạn nữ khác vẫn không dám lại gần để nhìn thẳng vào xác người. “Em vô cùng hoảng sợ”, Thủy chia sẻ.
Khó khăn lắm Thủy mới lại được gần một chút đủ để nghe thầy giảng. Cô gái đứng nép phía sau một bạn khác để quan sát. Những bản thể còn giữ nguyên hình dáng, rõ từng bộ phận: các mạch máu, hốc mũi, dây chằng, dây thần kinh sọ, dây thần kinh gai sống, cơ xương... ngay trước mắt, chỉ có điều đã khô và xám đi. Thầy giáo dùng phanh kẹp gắp từng dây thần kinh lên để giới thiệu. Một vài sinh viên nhìn vào sâu bên trong, vài người khác lùi bước chân ra sau. Thủy không dám nhìn. Khoảng 30 phút sau cô gái phải xin ra ngoài vì buồn nôn.
Thủy cho biết, trước khi học giải phẫu, em được các anh chị khóa trên chia sẻ về những khó khăn của bộ môn này. Tuy nhiên cô gái không nghĩ lần đầu nhìn xác người lại có cảm giác bị sốc đến thế.
Khác với Thủy, Nguyễn Tuấn Anh (Nghệ An), một sinh viên cùng lớp, bước vào nhà xác với chút bỡ ngỡ và lo lắng. Sau đó chàng trai tự trấn anbản thân và bắt kịp rất nhanh vào bài giảng. Tuấn Anh chăm chú lắng nghe thầy giáo và quan sát tỉ mỉ thi thể, tiêu bản phần ngực, tiêu bản cánh tay... Tuấn Anh cùng các bạn bàn bạc rất sôi nổi. Thế nhưng, đến phần thực hành, sinh viên được thầy yêu cầu tự dùng phanh kẹp, gim, gắp các dây thần kinh lên để phân tích cấu trúc, Tuấn Anh “em bắt đầu lo sợ”. Chưa bao giờ chàng trai tiếp xúc với các bộ phận cơ thể như thế nên không quen, tay run rẩy và chỉ cầm được vài giây đã phải bỏ xuống. Được một lúc, Tuấn Anh cũng phải xin ra ngoài vì buồn nôn.
Tâm lý của Thủy và Tuấn Anh là diễn biến chung của sinh viên năm nhất lần đầu học bộ môn giải phẫu và tiếp xúc trực tiếp với xác người. Mỗi người có một mức độ tâm lý khác nhau, hầu hết đều cảm thấy ám ảnh với buổi học đầu tiên về giải phẫu. “Ăn cơm cũng nghĩ đến mùi formol, nhiều đêm liền nằm ngủ mơ thấy xác đến tìm mình”, Thủy chia sẻ. "Chưa bao giờ em thấy con đường từ học tập đến làm nghề lại gian nan đến thế". Phải đến buổi thứ ba Thủy mới bắt đầu quen với bộ môn này.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Trưởng bộ môn giải phẫu, Đại học Y Hà Nội cho biết, bộ môn giải phẫu được đưa vào giảng dạy cho sinh viên năm nhất. Nhiều em lần đầu tiếp xúc với thi thể và mùi formol bảo quản thi thể sẽ bị cay mắt, sốc hoặc gặp các vấn đề về tâm lý, sức khỏe. Đến những buổi sau sinh viên sẽ quen dần và ý thức được cơ hội thực hành quý giá trên xác người.
Hiện nay, công tác giảng dạy bộ môn giải phẫu ở trường Đại học Y Hà Nội gặp nhiều khó khăn, chỉ có hai thi thể cho sinh viên thực hành qua nhiều năm.
Thúy Quỳnh