Tôi đi làm tính đến nay đã hơn 20 năm, đã từng chứng kiến nhiều chuyện éo le ở chốn công sở, rất sợ bị cuốn vào những cuộc "buôn dưa lê" không có hồi kết mà lại gây ảnh hưởng không tốt đến người khác nên càng ngày tôi càng phải thu mình lại, hạn chế kết giao với người khác, chỉ dám nói chuyện với vài người bạn đồng nghiệp thật thân thiết.
Có khi việc người này hôm nay đi làm bằng ôtô hay xe máy, đỗ xe ở đâu cũng thành chủ đề bàn tán. Bình thường, có người hay đi làm bằng ôtô. Chỉ cần một, hai ngày không đi ôtô là sẽ có người hỏi: "Tại sao hôm nay em không đi ôtô? Hôm nay chị đỗ ôtô ở đâu mà em không nhìn thấy?". Nếu một, hai tháng không nhìn thấy đi ôtô là y như rằng họ buôn dưa lê với nhau rằng: "Con đấy phá sản phải bán xe, làm gì có xe mà đi".
Ngoài giao tiếp vì công việc ra, tôi không dám chơi với ai, ngại kết bạn trên Facebook với đồng nghiệp không phải vì kiêu căng hay tính cách không hòa đồng, chỉ đơn giản là để tránh bị cuốn vào những chốn thị phi, mệt mỏi không đáng có.
Thói quen truyền thống thích tụ tập, thích chia sẻ của người Việt Nam dường như đã ăn sâu vào những nhân viên công sở thời hiện đại. Bây giờ có rất nhiều người suốt ngày "buôn dưa lê" làm ảnh hưởng đến công việc. Biết là không tốt nhưng thói quen buôn chuyện trong giờ làm của phụ nữ công sở vẫn rất khó bỏ. Nguyên do là bởi chị em đã quen chia sẻ, quen được nói, nếu ngồi cả ngày im lặng thì chắc họ sẽ không chịu nổi.
Chủ đề các câu truyện được buôn bán nơi công sở là gì? Đó là những chuyện trên trời, dưới đất, có khi là chuyện của bản thân, có khi là chuyện gặp ngoài đường, có khi lại là chuyện của người khác chả liên quan đến mình.
Mỗi người một câu thế là lại có chủ đề buôn cả ngày không hết. Tranh thủ thời gian rảnh, mọi người lại túm tụm kể nhau nghe đủ chuyện, từ chuyện con mình bị ốm, chồng ky bo không chịu đưa tiền cho vợ, chồng ở bẩn vứt quần áo khắp nhà đến giá bộ váy ở cửa hàng này, cửa hàng khác đắt rẻ ra sao...
Nói về mình chán chê, các chị, các em lại lôi chuyện riêng của người này, người nọ trong cơ quan ra nói cho vui miệng. Nhiều lúc làm việc áp lực, mệt mỏi quá, tôi cũng buôn dưa lê cùng mọi người để giảm căng thẳng. Tuy nhiên, tôi chỉ dừng lại ở những đề tài vui để giảm căng thẳng trong công việc chứ không đi sâu vào các vấn đề nhạy cảm, đụng chạm đến người khác.
Tôi nghĩ, nếu biết "buôn" đúng lúc, đúng chỗ, đúng đề tài sẽ có được nhiều thông tin có thể có lợi cho công việc cũng như cải thiện mối quan hệ của mình và đồng nghiệp. Thói quen "buôn dưa lê" nơi công sở sẽ chẳng có gì đáng chê trách, nếu những người tham gia không đi quá sâu vào đời sống cá nhân của người khác kèm theo những bình phẩm phiến diện. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết được điểm dừng ấy...
Có nhiều người cứ lên cơ quan là mở Facebook vào like dạo, comment đi comment lại rồi làm, trong lúc làm lại ngó xem có ai comment không để trả lời. Một ngày có 8h làm việc thì chỉ làm tầm 3-4h, còn lại là lượn hết phòng này đến phòng khác, ngồi buôn dưa lê ở phòng hoặc buôn dưa lê trong Facebook với người khác.
Điều hay thấy nhất là thói đố kỵ với đồng nghiệp hơn mình. Nếu đồng nghiệp đó có trình độ học vấn cao hơn, có năng lực chuyên môn tốt hơn, nhà có điều kiện kinh tế tốt hơn, hình thức xinh xắn hơn, có nhiều anh để ý hơn, được sếp trọng dụng hơn...thì sẽ luôn là chủ đề bị buôn bán mỗi khi những người rảnh rỗi ngồi với nhau. Nào là: "Con đấy đang cặp với giám đốc nên mới được cất nhắc vào vị trí đó. Cơ quan này thiếu gì người đâu mà sao cứ phải đưa nó vào".
Nhưng họ không hề suy nghĩ xem, người thì không thiếu nhưng quan trọng là có ai làm tốt việc đó bằng người đó không mới quan trọng. Họ không nghĩ xem khi vào vị trí đó, người ta có được tăng thêm thu nhập không? Có gì sung sướng hơn không? Hay chẳng qua là bị sếp chủ động đưa vào để giải quyết công việc cho mảng đó?
Công việc vừa vất vả hơn, vừa phải va chạm với nhiều người, vừa không tăng thêm thu nhập, vừa lại bị biến thành chủ đề cho thiên hạ bàn tán không tốt sau lưng. Cái thói quen của dân công sở mỗi khi thấy chị em nào được cất nhắc vào một vị trí nào đó là họ sẽ nói rằng: Nó cặp bồ với sếp nên mới được lên chức. Trường hợp như vậy không phải là không có nhưng không phải mọi trường hợp đều giống nhau.
Có nhiều người không hề tiếp cận sếp, không hề đi xin sếp để lên chức nhưng do yêu cầu cấp bách của công việc mà lãnh đạo chủ động đưa họ lên để họ giải quyết nhiều công việc quan trọng trong cơ quan mà không ai làm được hoặc là làm được nhưng ì ra không chịu làm.
Phụ cấp chức vụ chỉ là một khoản tiền rất nhỏ, không thấm gì so với sức lao động họ phải bỏ ra để làm việc, không thấm gì so với trách nhiệm của họ trong công việc. Làm nhà nước cứ bị nghĩ là nhàn lắm nhưng thực tế không phải như vậy. Với vị trí công việc như tôi vẫn đang làm, nếu chỉ làm đủ giờ lao động theo quy định thì không thể làm hết việc được giao, tôi luôn phải chủ động đi làm sớm, có mặt ở cơ quan sớm hơn giờ quy định khoảng 45 phút và tan làm muộn hơn so với giờ quy định, thậm chí có lúc phải mang tài liệu về nhà làm tối và cuối tuần thì mới hoàn thành được nhiệm vụ được giao.
Tôi nghĩ rằng nếu ai cũng làm việc hết trách nhiệm, tích cực và tận tâm thì không có công việc nào nhàn hạ. Những người rảnh rỗi có nhiều thời gian "buôn dưa lê" nơi công sở chẳng qua là họ không chịu làm việc, làm việc theo kiểu cầm chừng, đối phó, làm không hết trách nhiệm thì mới có thời gian bàn tán, soi mói chuyện đời tư của người khác. Nếu chăm chú làm việc thì làm gì có thời gian mà soi ai hay "buôn dưa lê" với ai.
Cuộc đời này có rất nhiều việc nhìn thế mà không phải thế. Nhưng nhiều người có suy nghĩ nông cạn, chỉ biết đánh giá vấn đề qua những gì họ nhìn thấy mà không hiểu được nguyên nhân sâu xa thực sự đằng sau. Điều đáng trách là họ nghĩ thế là quyền của họ nhưng họ lại không chỉ nghĩ mà họ cứ phải đi tung tin đồn khắp cơ quan. Chuyện tốt chả thấy nói, toàn đi loan truyền chuyện xấu do họ tự đoán ra mà chưa có sự kiểm chứng chính xác.
Ở chốn công sở đầy rẫy thị phi, chị em phụ nữ mà cứ được sếp trọng dụng, hay gặp gỡ, trao đổi công việc với sếp, nhất là lại được lên chức thì đảm bảo sẽ có ngay nghi án ngoại tình. Chính điều này làm cản trở nhiều người có năng lực phấn đấu trong sự nghiệp.
Có một số chị em có năng lực tốt nhưng họ không dám thể hiện, cũng không dám phấn đấu là vì họ sợ sẽ bị trở thành chủ đề "buôn dưa lê" của cơ quan, họ không muốn mệt mỏi vì những chuyện không đáng. Đi làm đã vất vả, thu nhập thấp, môi trường làm việc thì độc hại, làm nhiều, làm tốt còn bị bàn tán không ra gì. Những người năng lực kém, làm việc không có trách nhiệm, chỉ lớt phớt cho qua chuyện rồi đi hóng tin ở các nơi để buôn bán lại chính là những người chuyên đi nói xấu những người đang lăn ra làm việc vất vả hơn họ.
Không chỉ vậy, công sở còn là chỗ "đâm bị thóc, chọc bị gạo" kinh hoàng. Làm bất cứ việc gì cũng có người đi bơm vá với sếp hoặc đi tung tin sai lệch ra khắp cơ quan để mọi người hiểu sai vấn đề và hiểu sai về người mà họ ghét, hòng phá đám đồng nghiệp cho bằng được.
Quanh đi quẩn lại 8 giờ làm việc đã trôi qua từ lúc nào. Ở nhiều cơ quan hiện nay, rất nhiều người toàn làm công việc cá nhân trong giờ hành chính. Họ dùng thời gian có mặt để đọc báo, xem phim, vào mạng và buôn dưa lê. Công việc cứ ì ra không làm, thu nhập vẫn nhận đủ hàng tháng. Vấn đề không chỉ là lãng phí thời gian và tiền bạc. Điều đáng nói là thái độ thiếu nghiêm túc trong việc thực thi công việc. Nó cùng hình thành một thói quen xấu về chuyện ngồi lê, tán gẫu mất thời gian vô bổ chỉ vì những chuyện không đâu.
Đa số phụ nữ đều cho rằng "buôn dưa lê" là vô thưởng vô phạt nhưng sự thật không phải vậy. Thời gian tập trung cho công việc bị ít đi dẫn tới sự lãng phí thời gian, tiền bạc và trí óc. Khi những chuyện riêng lấn át, vô hình chung đầu óc sẽ không tập trung hoàn toàn mà bị phân tán theo những câu chuyện không đâu đó. Hậu quả là những sai sót và lỗi lầm không đáng có. Thói quen này còn gây ra mất đoàn kết nội bộ. Từ những chuyện không có, các chị em có thể thêm mắm thêm muối, qua người này người khác câu chuyện lại đi xa hơn, vô tình gây hại tới người khác.
Hậu quả của việc "buôn dưa lê" không biết điểm dừng đó là lãng phí thời gian, năng lượng và ảnh hường đến chất lượng công việc. Khi bạn tham gia, bạn sẽ chỉ chú tâm đến cuộc chuyện trò mà lơ là những công việc khác quan trọng hơn. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công việc và năng suất lao động của bạn. Thêm vào đó, thời gian bạn nghe và nói đó là đang phung phí một phần lớn năng lượng của bản thân và lãng phí thời gian vào những chuyện không tên. Không những thế, còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và gây mất đoàn kết nội bộ.
Cái gì cũng có hai mặt và cái gì cũng có giới hạn. Giới hạn là khi chúng ta biết đâu là điểm dừng và khi nào nên kết thúc. Tôi nghĩ rằng, nên xem "buôn dưa lê" là một cách để giảm căng thẳng thay vì biến nó thành phương tiện để thỏa mãn những mục đích cá nhân tầm thường. Có như vậy bạn mới không bị mang tiếng xấu và hoàn thành tốt công việc. Để tránh bị cuốn vào những hội buôn dưa lê tiêu cực, bạn nên lưu ý một số điều sau:
Thứ nhất, bạn cần đủ tỉnh táo để biết bí mật nào trong số những điều bạn được nghe có thể nói ra và điều nào bạn nên giữ kín.
Thứ hai, bạn phải nhận định đúng ai là người đáng tin cậy để bạn "buôn dưa lê". Nếu là người không đáng tin thì tốt nhất là không nên nói gì. Nên tránh xa những người thích thăm dò chuyện riêng tư của người khác, người hay phàn nàn, người thích "buôn dưa lê" mọi lúc mọi nơi, lấy câu chuyện làm quà, người thích khoe mẽ.
Thứ ba, khi nói thì nên tránh nói về những câu chuyện nhạy cảm, về đời tư của người khác.
Thứ tư, bạn chỉ nên đưa ra những tình huống trò chuyện khi cần thiết hoặc những lúc rảnh rỗi. Đừng biến mình thành "bà tám" công sở trong khi bạn còn rất nhiều công việc cần giải quyết. Điều này sẽ vô tình khiến bạn mất tập trung vào công việc, dẫn đến kết quả công việc bị giảm sút. Chú ý thời gian nên hạn chế trong giới hạn cho phép, nên dành thời gian cho công việc của mình, đảm bảo hoàn thành tốt mọi công việc được giao, tránh tình trạng làm việc không nghiêm túc, chậm tiến độ, không có sản phẩm nhưng lúc nào cũng kêu là bận lắm.
Thứ năm, tinh thần thấp có thể làm giảm năng suất, giảm hợp tác giữa các phòng ban và ảnh hướng xấu đến công việc của bạn. Bạn nên cố gắng giữ cho tinh thần của bạn trên một mức độ thích hợp. Nếu bạn không có sự nhiệt tình trong công việc, đồng nghiệp của bạn sẽ mất đi mong muốn hợp tác. Hơn nữa, bạn nên biết rằng các nhà lãnh đạo quản lý chẳng ai mong muốn có một nhân viên như vậy.
Cuối cùng, bạn nên nhớ rằng tình cảm bạn bè, đồng nghiệp để trò chuyện sau giờ làm. Còn văn phòng là nơi mà mọi người nên tuân thủ mọi quy tắc nơi công sở và hướng tới hiệu quả công việc mà thôi. Chắc chắn, hài hước và tiếng cười trong văn phòng có thể làm giảm căng thẳng và mang lại nhiều lợi ích. Nhưng hãy thể hiện cho mọi người biết rằng, bạn là người hiểu biết văn hóa công sở, bạn biết đùa và biết dừng đúng lúc nhé.
Vũ Thị Minh Huyền
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.