Cách Tết 20 ngày, mẹ chồng Khánh Vân ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa đã gọi điện thông báo đụng lợn với nhà dì một con 80 kg. Biết không ngăn được mẹ, nàng dâu chỉ dặn tùy tình hình mà cân đối. Năm nay chị cả và chị hai đều bận, không về được, nhà có bốn người lớn và hai đứa nhỏ ăn Tết, khách cũng không nhiều.
"Mẹ vẫn chốt đụng lợn. Vợ chồng tôi gửi trước về cho bà 5 triệu đồng sắm Tết", Vân kể.
Bận kinh doanh, gần trưa 30 Tết vợ chồng cô mới về nhà. Mọi việc bố mẹ đã lo tươm tất. Nhưng một lần nữa, sau ba năm kết hôn, Vân phát hoảng vì thực phẩm, đồ ăn khắp nhà. Cái nia ở bếp bày khoảng hai chục bánh chưng, tủ lạnh chất 5 cây giò lụa. Trên bếp, nồi thịt đông đang riu riu lửa, nồi cá kho đã xong. Ngoài sân giếng treo ba cây giò xào. Hai xâu nem chua cũng đang treo lủng lẳng.
"Năm nay mẹ mua được lá nem khéo lắm, cuốn không sợ rách. Người bán bảo bỏ luôn lên tủ lạnh, lúc rán thả xuống, chứ không cần rán sơ như mọi năm", mẹ Vân đang cuốn 50 chiếc nem, nói.
Lượng thực phẩm nhiều nhưng đồ ăn nấu xong để thắp hương là chính. Mỗi sáng, Vân phụ mẹ chuẩn bị cơm cúng. Tàn hương, gia đình hạ mâm này xuống. Đồ ăn đều nguội ngắt. Năm nào cũng vậy, chỉ một hai bữa đầu đồ ăn còn ngon, đến những ngày sau thì ai cũng chán. Thành thử các món đạm và bánh chưng cúng ế từ bữa này tới bữa khác. Sang ngày sau lại làm mâm cơm mới. Cũng theo đó những hộp, túi, nồi đựng đồ ăn thừa ngày một tăng. "Khách đến chỉ tiêu thụ được phần nào, thậm chí còn khiến đồ ăn thừa tăng lên nhiều hơn", Vân nói.
Bỏ đi thì tiếc nên bố mẹ cứ ăn đi ăn lại. Đến những ngày sau, họ thậm chí đổ lộn các loại giò, thịt luộc, thịt đông vào một nồi, đến bữa lại đun lên ăn. Đến ngày mùng 3 Tết, bụng dạ cả nhà hầu như đã đình công. "Bố mẹ phải uống men tiêu hóa. Mẹ mình phải đi ra ruộng bẻ ngô luộc ăn cho nhẹ bụng. Vợ chồng mình chỉ mong ăn như ngày thường", Vân kể.
Tình cảnh tích trữ thực phẩm và cả Tết ăn đồ thừa không chỉ ở riêng gia đình chị Vân. Khảo sát khoảng 500 độc giả VnExpress với câu hỏi: "Tình trạng tích trữ thực phẩm ngày Tết ở nhà bạn", 10% cho biết gia đình tích trữ thực phẩm ăn tới Rằm tháng Giêng, 41% cho biết tích trữ ăn đủ kỳ nghỉ Tết, còn 49% như ngày thường.
Với gia đình anh Nguyễn Tất Định, 43 tuổi, quê Hải Dương, ăn đồ thừa chỉ là phần nổi của một câu chuyện bao lần gây ra xung đột ngày Tết. Nhà anh là con trưởng, rất quan trọng mâm cơm cúng. Từ 30 Tết đến ngày hóa vàng, hôm nào cũng có một bữa cúng to, một bữa cúng đơn giản hơn.
Cỗ cúng bữa chính trong ngày phải có đủ ít nhất là những món cơ bản như: gà, giò, chả, bát nấu, đĩa xào, bánh chưng, món rán... và lượng làm phải "ra bát ra đĩa, không được kiểu bôi mỗi thứ một tí". Nhà chỉ cúng cỗ mặn, không cúng cỗ chay. Cỗ cúng bữa phụ có thể bớt đi giò, chả, bánh chưng.
Vì nặng cỗ bàn, mẹ anh là người vất vả nhất. Năm nay bà đã gần 80 tuổi, sức yếu, để chuẩn bị mâm cỗ 12 đến 15 món, bà phải dậy từ 4h30 mỗi ngày. Cúng xong, hạ mâm xuống ăn qua loa bà lại dọn dẹp, nghỉ ngơi chút lại tiếp tục lao vào bếp chuẩn bị mâm cỗ cúng bữa chiều. Vòng quay bếp núc cứ thế lặp lại, kéo dài tới tận mùng 4 Tết.
Để mẹ bớt phần vất vả, anh Định mua một số đồ ăn sẵn, dặn mẹ đến bữa làm nóng lên rồi cúng. Những ngày ở nhà, anh luôn xuống bếp đỡ đần mẹ, khi anh đi nhà ngoại chỉ còn mình mẹ làm. "Bố tôi gia trưởng, không bao giờ thò tay làm tí việc nhà nào. Nên có mấy ngày Tết mà mẹ tôi còn vất vả hơn cả ngày thường", anh nói.
Từ cách đây hơn chục năm, anh Định đã có ý kiến với bố mẹ cúng lễ đơn giản, để dành thời gian nghỉ ngơi. Anh dẫn ví dụ nhà bố vợ cũng là trưởng, cũng chỉ làm cơm cúng tất niên và hóa vàng. "Nhưng bố mình không nghe, toàn mắng và dằn vặt mẹ mình những lúc chỉ có hai ông bà với nhau, làm mẹ mình ức chế, mệt mỏi. Mẹ bảo đã bao nhiêu năm quen rồi, cố thêm hết đời cho yên cửa yên nhà", anh Định kể.
Trên một nhóm mạng xã hội có hơn 2 triệu thành viên, cứ dịp Tết lại xuất hiện các bài viết về các cách xử lý đồ ăn thừa. Chị Hạnh, quê Phú Thọ, người có bài chia sẻ cách xử lý thịt luộc sau Tết, thu hút hơn 3.000 lượt thích, chia sẻ, nhà chị nặng tư tưởng truyền thống. Mỗi lần cúng là hai mâm trong nhà, ngoài sân nên sau Tết tủ lạnh chật cứng đồ. Trong đó, chỉ riêng thịt luộc đã có cả chục miếng dồn lại từ sau mỗi lần cúng.
Chị suy nghĩ rất nhiều cách để xử lý số thịt này, cuối cùng nghĩ ra sẽ làm nem (gần giống món thịt chua Phú Thọ). "Cũng không biết gọi là nem gì nhưng giải quyết được chỗ thịt luộc dư thừa và trẻ con người lớn đều thích, nhậu cũng ổn lắm. Nhưng để ngon hơn, nên luộc thịt vừa chín tới, thay vì làm thịt luộc sẵn bỏ tủ lạnh như nhà mình", chị nói.
Nhiều chị em khác cũng chia sẻ các cách xử lý với thịt gà có thể làm gỏi gà, phở gà, bún thang, cơm gà Hội An. Giò chả thường thừa nhiều nhất, cũng có nhiều cách chế biến như kho để ăn cùng xôi, làm bún thang, miến trộn hoặc thái sợi làm phở cuốn...
Phó giáo sư Bùi Hoài Sơn (Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) cho biết, việc tích trữ ngày Tết đã là phong tục tập quán khó bỏ của người Việt nhiều đời nay. Thực trạng này đầu tiên xuất phát từ truyền thống kiêng hết đồ ăn trong ngày Tết. Nên kể cả trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi chúng ta có khá nhiều thuận tiện trong mua bán, nhưng theo thói quen truyền thống "no ba ngày Tết ấm ba tháng hè", người Việt vẫn mua nhiều đồ để có cảm giác no đủ.
"Nhiều gia đình vẫn còn suy nghĩ ngày Tết thiếu gì đó sẽ 'bị dông', không may mắn cả năm", ông nói.
Hơn nữa dịp đầu xuân chúng ta có khá nhiều lễ cúng như tất niên, giao thừa, cúng các ngày Tết. Lễ nào cũng đòi hỏi có mâm cỗ thịnh soạn, mong muốn thể hiện gia đình năm nay tốt hơn trước nên nhiều khi không dùng hết, mâm cỗ vẫn linh đình, thịnh soạn.
Thứ ba do dịp Tết có nhiều khách đến. Ai cũng muốn mâm cỗ đầy đủ, thể hiện tấm lòng với khách nên thường chuẩn bị dư thừa với khả năng tiêu thụ. Hầu hết gia đình chỉ ăn đồ mới được một hai ngày đầu, sau đó toàn phải ăn lại đồ thừa, lúc này cũng không còn cảm giác ngon miệng nữa.
Theo phó giáo sư, thực trạng này có thể thay đổi được mà vẫn không làm ảnh hưởng giá trị ngày Tết. "Phong tục tập quán chứa đựng rất nhiều giá trị, nhưng điều quan trọng chúng ta giữ gìn phong tục tập quán không phải giữ hình thức mà là giữ tinh thần", ông nói.
Đó là truyền thống hiếu lễ, ý nghĩa đoàn viên, giá trị sum họp gia đình hay những giá trị quan trọng khác. Những cái thể hiện hình có thể thay đổi được, đặc biệt bối cảnh xã hội đã tạo điều kiện cho chúng ta rất nhiều, không phải lo lắng giá cả tăng hay thiếu nữa.
Với anh Tất Định, việc nặng cỗ bàn, thừa mứa thức ăn ngày Tết thực sự là ám ảnh. Nhiều lần đấu tranh không được, anh đã tuyên bố trước bố mẹ rằng "mỗi người một cách sống. Nếu mẹ mất trước, bố muốn cúng lễ thế nào thì tự làm, còn con chỉ làm đơn giản, miễn sao trọn vẹn là được".
"Tôi phải thay đổi cách sống, cách nghĩ trong nhà, không như vậy thì đời tôi khổ, con cháu tôi khổ", anh nói.
Phan Dương