Sáng 15/3, nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời sau một thời gian bệnh nặng. Nhiều nghệ sĩ bàng hoàng, thương tiếc trước sự ra đi của cây đại thụ trong làng nhạc nhẹ Việt Nam.
Ca sĩ Cẩm Vân có mối quan hệ thân thiết với nhạc sĩ Thanh Tùng. Buổi sáng khi nghe tin ông qua đời, dù biết rằng bệnh tình của nhạc sĩ chuyển biến xấu trước đó, chị không tránh khỏi bàng hoàng. Nữ ca sĩ kể từ những ngày đầu đi hát, nhạc sĩ đã giúp chị định hướng con đường bằng những lời dặn dò đắt giá. "Hãy tiến chậm mà chắc. Hãy là cổ thụ chứ đừng vươn nhanh như cọng giá, để rồi ngã dễ dàng vì gió, mưa".
Với Cẩm Vân, ca khúc nào của Thanh Tùng cũng hay. Riêng bài Ngôi sao cô đơn và Hoàng hôn màu lá để lại cho chị nhiều kỷ niệm. Đặc biệt bài Ngôi sao cô đơn giúp chị giành huy chương vàng ở Liên hoan Thanh niên Sinh viên Thế giới năm 1989 tại Bình Nhưỡng. "Anh là một nhạc sĩ tài hoa mà tôi rất mến mộ. Thật đau buồn chia sẻ cùng gia quyến", chị nói.
Ca khúc Trái tim không ngủ yên của Thanh Tùng làm nên tên tuổi của Bằng Kiều. Chính vì vậy khi nghe tin nhạc sĩ mất, anh thấy buồn và hối tiếc vì chưa kịp đi thăm khi biết ông nằm trên giường bệnh. Nam ca sĩ giải thích Thanh Tùng là một nghệ sĩ rất lãng tử hào hoa, ra đường luôn thích thơm tho, chải chuốt và mặc quần áo đẹp. Ông không muốn người khác nhìn thấy mình mất phong độ trên giường bệnh. Hiểu rõ tính cách ấy của nhạc sĩ nên Bằng Kiều không dám đến thăm.
Bằng Kiều kể những năm 1990, 1991 lúc chưa nổi tiếng, anh tham gia nhóm Chìa Khóa Vàng thi Ban nhạc chuyên nghiệp toàn quốc tại Đà Nẵng. Lúc đó, nhạc sĩ Thanh Tùng làm giám khảo. Ông có đến vỗ vai anh bảo: "Chú biết mày sau này sẽ nổi tiếng, mày hát rất hay". Chính sự động viên to lớn ấy khiến Bằng Kiều có thêm động lực phấn đấu. Sau này Bằng Kiều thể hiện ca khúc Trái tim không ngủ yên thành công. Khán giả cả nước biết đến tên tuổi của anh nhiều hơn. Cựu thành viên Quả Dưa Hấu hát thêm các bài của nhạc sĩ như Giọt sương trên mí mắt, Lối cũ ta về đều được người yêu nhạc đón nhận. Nam ca sĩ chia sẻ mỗi lần gặp gỡ, nhạc sĩ Thanh Tùng lại bảo "Mày hát như thế là đúng rồi!". Ông không chê không khen nhưng đối với anh đó là một lời động viên đầy ý nghĩa.
Bằng Kiều gọi nhạc sĩ Thanh Tùng bằng "bố". Ông lớn tuổi nhưng rất chịu chơi, thích ngồi hàng quán cà phê, uống rượu cùng những người trẻ và luôn chơi hết mình. Chính điều đó khiến ông có một khí chất lãng tử mà thế hệ trẻ như anh luôn bái phục.
"Tôi thật sự rất buồn khi nhạc sĩ ra đi dù biết tuổi già không đợi ai bao giờ. Ông là nhạc sĩ có tài, tâm và bao nhiêu thế hệ ca sĩ Việt Nam 'ăn cơm' từ những ca khúc nổi tiếng của ông", Bằng Kiều xúc động.
Phong cách sống chân thành của nhạc sĩ khiến nhiều ca sĩ xem ông như người thầy trong nghề nghiệp và đời sống.
Đang đi lưu diễn ở Mỹ, khi nghe tin sự ra đi của nhạc sĩ Thanh Tùng, Thanh Lam không khỏi bàng hoàng. Diva nhạc Việt nhớ lần gần nhất gặp gỡ, cô còn dặn dò nhạc sĩ phải giữ sức khỏe. Cô nói với thầy của mình đang cùng Tùng Dương, Hà Trần và Quốc Trung chuẩn bị đêm nhạc tôn vinh các tác phẩm của ông. Khi nghe học trò nói vậy, dù bệnh tật khiến bản thân không thể đi lại, nói chuyện, nhạc sĩ vẫn cười gật gù ra hiệu đồng tình.
"Luôn trêu thầy đủ thứ, vậy mà con chưa kịp thực hiện lời hứa thầy đã bỏ lại chúng con. Con nghe đâu đó tiếng thầy hát con nghe... Thương thầy nhiều lắm! Tiễn thầy về với cát bụi", Thanh Lam tâm sự trên trang cá nhân.
"Vậy là thầy được về bên cô, người phụ nữ mà thầy yêu thương nhất rồi", Mỹ Dung đau xót. Giọng ca Hoa nắng bị dằn vặt vì còn nhiều điều chưa kịp tâm sự với nhạc sĩ Thanh Tùng. Đối với cô, Thanh Tùng không chỉ là người sáng tác bài hát hay mà còn là người thầy trong cuộc sống cũng như sự nghiệp.
Lần đầu tiên Mỹ Dung gặp Thanh Tùng là khi ông tổ chức liveshow vào năm 2005. Ở tuổi 24, nữ ca sĩ khi ấy chưa có nhiều vốn sống nhưng được nhạc sĩ giao cho ca khúc khó, đòi hỏi nhiều sự trải nghiệm là Cơn bão nghiêng đêm để thể hiện trong đêm nhạc. Ông cũng là người sắp xếp các tiết mục chương trình. Lần ấy, Mỹ Dung hát ngay sau Thanh Lam - điều mà cô cho là cả một thách thức.
Nữ ca sĩ cho rằng đó là bài học về việc phải vượt qua sự sợ hãi mà Thanh Tùng muốn dành cho mình.
"Thầy là người quyết đoán, lạc quan, có niềm kiêu hãnh lớn và sống tình cảm. Ngoài đời, nhạc sĩ hay gọi 'mày' một cách gần gũi. Dù không quá ngọt ngào trong lời ăn tiếng nói, tôi vẫn cảm nhận được sự ấm áp từ thầy. Mỗi khi thấy ai có nỗi buồn hay khó khăn trong cuộc sống, thầy cũng không quản ngại tìm tới để chia sẻ. Bản thân tôi mỗi khi bị bế tắc trong cuộc sống cũng đều có thầy làm một trong những chỗ dựa tinh thần vững chắc", cô tâm sự.
Giao Trí