Giờ là một giờ sáng. Chúng tôi vừa xong đêm diễn và nhận được tin buồn - nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời. Còn nhớ lần gặp Bách (con trai nhạc sĩ Thanh Tùng) trong show 8/3 ở Hà Nội, cậu nói bố yếu lắm rồi, đang nằm viện. Dù biết là ngày này rồi cũng đến, tôi vẫn thấy buồn vô cùng. Cô bạn Thanh Lam ngồi kế cũng thẫn thờ khi hay tin và thốt lên: "Buồn quá".
Đời sống có những sự trùng hợp. Như 15/3 là ngày sinh của Hồng Nhung, là ngày ông Tùng ra đi. Có điềm gì mách bảo không khi những show vừa qua, Hồng Nhung lại chọn hát và được tán thưởng rất nhiều với "Giọt sương trên mí mắt" của ông, mới tối qua thôi ở Houston và tối kia ở Philadelphia. Mỗi lần hát là một lần khâm phục sao ông nhạc sĩ này hay thế, đàn ông mà cứ như cô bé 15 tuổi hiểu hết tâm sự và cả giọt nước mắt đầu tiên khi chớm nở tình yêu đầu đời - đúng như tuổi thiếu niên của cô Bống nhỏ. Tôi nhớ lần đầu hát trên sân khấu lớn Nhà hát Bến Thành do anh Tất My Loan dàn dựng, Nguyễn Hà và Vĩnh Tâm phối khí, "Giọt sương trên mí mắt" chiếm được tình cảm của người nghe, đặc biệt là khán giả trẻ. Sự đồng cảm lớn lao ấy khiến tôi tin Thanh Tùng như một nhà triết học, có thể biến hóa bản thân để nói thay tâm sự của mọi người.
Trùng hợp nữa, dù không là học trò được thầy Tùng dạy dỗ như Thanh Lam, Quốc Trung, Hồng Nhung lại may mắn có một thời gian gắn bó với nhạc sĩ. Đó là những ngày được sống vô tư trong âm nhạc, tôi và anh Sơn (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) đến nhà ông, ăn cơm rồi ra sân đàn hát. Nơi đó, con người vừa uyên thâm trong âm nhạc, vừa hài hước nhưng triết lý ngoài đời của Thanh Tùng giúp tôi hiểu và dễ truyền đạt tinh thần trong các bài hát của ông hơn.
"Một mình" cũng thành công từ sự gần gũi và thấu hiểu như thế. Sống gần gia đình ông, chơi với các con của ông, tôi hiểu rằng việc cô (vợ nhạc sĩ Thanh Tùng) ra đi đã để lại nỗi mất mát to lớn. Mỗi thành viên của gia đình như đặt một bàn thờ cô trong lòng để lúc nào cũng yêu thương, cũng nhung nhớ. Riêng với nhạc sĩ, tình cảm đó sâu nặng hơn tình cảm đơn thuần của một người đàn ông dành cho người đàn bà. Nên dù chưa một lần được nhạc sĩ hát cho nghe, tôi đã biết mình phải hát thật tự nhiên, hạn chế sự luyến láy để làm bật lên chất thơ, sự dung dị của những nốt nhạc, ca từ, để nói hộ tấm lòng chân thành của một người đàn ông.
Hôm nay ông ra đi, nhưng âm nhạc của Thanh Tùng vẫn còn mãi, vẫn là ảnh hưởng lớn trong giai đoạn âm nhạc hiện đại của Việt Nam. Biết là rất buồn, nhưng Hồng Nhung và cả Lam, hay anh Bách, chị Dương, sẽ được an ủi phần nào khi ông được giải thoát khỏi bệnh tật. Bởi không gì đau đớn cho bằng người nghệ sĩ lại không được đàn hát, người đàn ông hoạt ngôn lại không được nói.
Riêng Hồng Nhung biết rằng, từ đây tôi sẽ hát "Một mình" cho cả nỗi nhớ ông. Không chỉ là cảm xúc dành cho hình ảnh của cô - xanh xao vì căn bệnh hiểm nghèo, mà còn là dáng đi "liêu xiêu con đường nhỏ" của ông - hơn một lần bản thân được nhìn thấy. Dáng đi nghệ sĩ ấy liêu xiêu và cô đơn lắm!
Ca sĩ Hồng Nhung