Theo nhóm nghiên cứu bao gồm Jorgo Ristevski ở Đại học Queensland, Australia, loài mới tên Gunggamarandu maunala là một trong những loài cá sấu lớn nhất từng sống trên lục địa. Tên gọi của nó được đặt theo khoảng hở lớn hình lỗ ở đỉnh hộp sọ, đóng vai trò như nơi nối với cơ bắp. Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Scientific Reports, các nhà khoa học phân tích mảnh hộp sọ khai quật ở vùng Darling Downs vào năm 1875 và nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Queensland hơn 100 năm.
Dù không thể xác định chính xác kích thước của con cá sấu dựa trên phân tích hộp sọ, nhóm nghiên cứu cho rằng Gunggamarandu có thể dài khoảng 7 m. Họ ước tính hộp sọ của nó dài ít nhất 80 cm. Dựa theo so sánh với những loài cá sấu còn sống hiện nay, họ tính toán chiều dài toàn bộ cơ thể của Gunggamarandu tương đương một chiếc xe buýt.
Kết quả phân tích cho thấy Gunggamarandu maunala có thể sánh ngang với loài bò sát lớn nhất ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, Crocodylus porosus. Nghiên cứu không thể ước tính độ tuổi cụ thể của hóa thạch, nhưng mẩu xương có thể nằm trong khoảng 2 - 5 triệu năm tuổi. Sử dụng chụp cắt lớp vi tính, nhóm nghiên cứu có thể phục dựng khoang não của con vật và khám phá thêm nhiều chi tiết về giải phẫu của nó. Họ cho biết loài cá sấu mới thuộc họ bò sát tomistomine, chỉ còn duy nhất một loài đang sống trên bán đảo Malay và vài nơi ở Indonesia.
"Ngoài Nam Cực, Australia là nơi duy nhất không có bằng chứng hóa thạch của tomistomine. Nhưng với việc phát hiện Gunggamarandu, chúng tôi có thể thêm Australia vào danh sách những nơi chúng từng sinh sống", Ristevski nói.
An Khang (Theo Independent)