Một công ty bị phát hiện sản xuất cà phê bột giả với tỷ lệ 70% đậu nành, 20% vỏ vụn cà phê và chỉ 10% cà phê thật. Kiểm tra hơn 100 kg cà phê bột bán tại nhiều tiệm tạp hóa, cơ quan chức năng xác định hàm lượng caffeine chỉ từ 0,41% đến 0,46%, thấp hơn nhiều so với công bố ≥ 1%.
Số liệu từ sổ sách thu giữ cho thấy, trong 11 tháng đầu năm 2024, chi nhánh này đã sản xuất và bán ra thị trường 7 loại cà phê bột không đảm bảo chất lượng về hàm lượng caffeine, tổng cộng 344 tấn, giá trị khoảng 20 tỷ đồng.
Dẫu vậy, trên thực tế, tôi thấy nhiều người vẫn nhâm nhi ly cà phê 12 nghìn đồng "đen ngòm" mỗi sáng. "Đen như nước màu kho thịt nhưng mới đã, cà phê nâu cánh gián pha máy gì đó... lại không thích," ông bạn tôi nhận xét.
Ở quê tôi, mấy cô hàng nước cho biết chỉ bán được cà phê bột pha phin màu đen đặc, mà có lần đứa bạn về chơi bảo "sao nhìn giống nhớt cũ xe máy".
Vậy vì sao có hiện tượng này? Theo một chuyên gia, thói quen uống cà phê của người Việt bị ảnh hưởng từ những năm trước 1990, khi nguyên liệu khan hiếm, nhiều cơ sở rang xay trộn bắp, rượu, bơ, thậm chí nước mắm vào cà phê.
Lâu dần, gu uống này trở thành quen thuộc, và các nhà sản xuất càng có cớ dùng chất độn rẻ tiền để tối đa lợi nhuận. Hiện tượng này còn lan sang cà phê hòa tan, với nhiều hóa chất độc hại, thậm chí có loại hoàn toàn làm từ đậu nành.
Kết quả là, thay vì tận hưởng cà phê nguyên chất, không ít người Việt lại yêu thích hương vị của các loại "cà phê tẩm ướp" thứ thực chất chỉ là hỗn hợp của nhiều phụ gia, nhưng vẫn được quảng cáo mỹ miều như "Culi", "Robusta", "Arabica".
Pha tạp nhưng trở thành quen thuộc, và một bộ phận người tiêu dùng lại thích nó hơn cà phê nguyên chất. Điều này giống như việc nhiều người nghiện mì gói cay mặn đậm đà đến mức không thích các món súp thanh nhẹ, hay quen uống trà đá đắng chát lại thấy trà xanh nguyên chất lại nhạt nhẽo. Cái gì đã ăn sâu vào khẩu vị sẽ rất khó thay đổi.
Nhìn sang các nước có nền văn hóa cà phê phát triển như Italy, Pháp có thể thấy sự khác biệt. Cà phê của họ không cần phải đen đặc, sánh quyện như "kéo chỉ", mà chú trọng vào sự tinh tế của hương thơm và vị.
Nhiều người vẫn đánh giá ly cà phê bằng độ đậm đặc, độ đen và lớp bọt phía trên, những thứ có thể dễ dàng tạo ra bằng bột bắp, bột đậu nành và một chút hóa chất tạo bọt.
Gu cà phê có thể thay đổi được không? Theo tôi có lẽ là được, nhưng không dễ. Khi cà phê giả vẫn rẻ hơn cà phê thật, và khi người ta vẫn cảm thấy ly cà phê "đúng chuẩn" phải sánh đặc, phải có vị đắng gắt của đậu nành cháy khét, thì sản phẩm sạch, nguyên chất vẫn khó có cơ hội lấn sân.
Nhưng trước khi thay đổi được gu uống, có lẽ cần thay đổi nhận thức trước: một ly cà phê ngon là như thế nào?
Thói quen ăn uống có thể thay đổi, nhưng sẽ không dễ nếu nhiều người vẫn coi một ly cà phê "đậm đà" là thứ nước đen sánh đặc, dù bên trong nó có thể chẳng có bao nhiêu cà phê thật.
Xuân Hòa