Sáng 24/12, Bộ Giao thông Vận tải lần đầu tổ chức trực tuyến lễ khánh thành 4 công trình giao thông trọng điểm gồm: Sân bay Điện Biên mở rộng, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2.
Tại điểm cầu Điện Biên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng 4 dự án giao thông tổng vốn đầu tư gần 18.000 tỷ đồng hoàn thành sẽ mang lại hiệu quả rõ nét về kinh tế - xã hội, giảm chi phí logistics, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại dễ dàng, đẩy mạnh giao lưu, sản xuất kinh doanh.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã đưa vào khai thác thêm 730 km cao tốc, nâng tổng chiều dài cao tốc của cả nước lên gần 1.900 km. Với gần 1.700 km đang thi công, dự kiến năm 2025 cả nước có 3.000 km và 2030 trên 5.000 km cao tốc.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết 4 dự án khánh thành hôm nay đều có đặc điểm chung như có nhiều vướng mắc về pháp lý; kinh phí đầu tư có hạn nên phải huy động nguồn vốn của cả trung ương và địa phương; phải tăng thu, tiết kiệm chi; khan hiếm nguyên vật liệu.
"Khan hiếm nguyên vật liệu là khó khăn của các công trình mà khi xây dựng dự án cũng chưa hình dung hết. Như ở dự án sân bay Điện Biên phải nghiền đá thay sỏi", ông Chính nói, thêm rằng thi công cũng gặp khó trong thời gian diễn ra dịch Covid-19. Tuy nhiên, từ trung ương đến địa phương đều vào cuộc với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa" mới có kết quả hôm nay.
Nêu một số bài học kinh nghiệm, ông Chính dẫn dự án cầu Mỹ Thuận 1 từ thiết kế đến thi công đều phải thuê nước ngoài, trong khi cầu Mỹ Thuận 2 đều do kỹ sư, công nhân Việt Nam đảm nhiệm. Cầu Mỹ Thuận 1 sử dụng vốn tài trợ nước ngoài. Cầu Mỹ Thuận 2 có vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng nhưng "đều là tiền của chúng ta". Trước đây mỗi m2 xây dựng cần khoảng 5.000 USD thì nay chỉ làm với 2.400 USD.
"Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", Thủ tướng nói, cho rằng cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với bố trí nguồn lực, tăng cường giám sát kiểm tra. Cả 4 công trình đều làm đúng tinh thần trên nên hoàn thành sớm hơn tiến độ. Ngoài ra, phải phát huy tính tự lực, tự cường của địa phương, thay vì trông chờ thì phải sáng tạo, chủ động.
Thủ tướng nhấn mạnh khi triển khai các công trình lớn, gặp khó khăn thì cần tuân thủ nguyên tắc "tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt điểm việc đó". Đồng thời, các cơ quan trong hệ thống chính trị phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, đúng thời điểm và tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân. "Khi nhân dân hiểu, tư tưởng thông suốt thì sẵn sàng nhường nhà, đất, di dời mồ mả cha ông cho dự án", ông Chính nói.
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23 km, giai đoạn một có 4 làn xe, mặt đường rộng 17 m, vận tốc 80 km/h. Dự án đi qua tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp do Ban quản lý Mỹ Thuận (Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư, khởi công đầu năm 2021, vốn đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng. Công trình có điểm đầu nối với cầu Mỹ Thuận 2, điểm cuối tại cầu Chà Và, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.
Cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền, nối Tiền Giang và Vĩnh Long, tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng, khởi công tháng 2/2020. Công trình có tổng chiều dài 6,61 km, cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu 350 m về phía thượng lưu; điểm đầu nối dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; điểm cuối kết nối cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Hai dự án hoàn thành giúp giảm thiểu ùn tắc, hạn chế tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP HCM đi Cần Thơ chỉ còn hơn 2 giờ thay vì 3,5 giờ như hiện nay. Từ đây dần hình thành tuyến hành lang giao thông trục dọc Đồng bằng sông Cửu Long hoàn chỉnh và hiện đại.
Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ dài 40,2 km, có điểm đầu thuộc xã Lưỡng Vượng, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang, điểm cuối kết nối với nút giao IC9 cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Mặt đường rộng 17m, gồm 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, tổng mức đầu tư hơn 3.710 tỷ đồng do Tuyên Quang làm chủ đầu tư.
Cao tốc hoàn thành, từng bước đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên quốc lộ 2, rút ngắn thời gian vận chuyển, kết nối giữa tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ với Hà Nội.
Dự án sân bay Điện Biên mở rộng gồm xây dựng đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, mở rộng công suất khai thác nhà ga hành khách từ 300.000 lên 500.000 khách mỗi năm; cải tạo, xây dựng mới các công trình phụ trợ.
Đường băng được mở rộng thành 2.400x45 m, lề đường băng mỗi bên 7,5 m, có đường lăn và hệ thống đèn tiếp cận đồng bộ, đảm bảo khai thác máy bay A320/A321 và tương đương, thay vì các loại nhỏ như ATR, Embraer trước đây
Dự án mở rộng cảng hàng không Điện Biên có tổng mức đầu tư 1.470 tỷ đồng từ nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, công tác giải phóng mặt bằng 1.555 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh Điện Biên. Dự án được xem là mắt xích quan trọng trên bản đồ thu hút đầu tư trong và ngoài nước cho tỉnh Điện Biên nói riêng và các tỉnh lân cận vùng Tây Bắc nói chung.
Đoàn Loan