Số ca nhiễm và tử vong kỷ lục mới nâng tổng số ca nhiễm ở Mỹ lên 14.535.196 ca và số ca tử vong lên 282.929, tính đến tối 3/12. Số ca nhập viện ở Mỹ cũng lên tới 100.000.
Thống đốc California tuyên bố sẽ áp đặt một số lệnh ở nhà nghiêm ngặt nhất đất nước trong những ngày tới, khi các khoa chăm sóc tích cực (ICU) tại bệnh viện dự kiến đạt hết công suất.
Thống đốc Gavin Newsom cho hay số phòng ICU của 4 khu vực, bao gồm Nam California, đang trên đà đạt ngưỡng 15% trong tuần này, còn khu vực Vịnh San Francisco dự kiến sẽ đạt mức này từ giữa tới cuối tháng 12.
Lệnh ở nhà sẽ có hiệu lực sau thông báo 48 giờ và duy trì ít nhất 3 tuần, tới khi ngưỡng phòng ICU giảm xuống dưới 15%. California là bang đông dân nhất nước Mỹ, với gần 40 triệu dân.
"Nếu chúng ta không hành động bây giờ, hệ thống bệnh viện sẽ bị quá tải. Nếu chúng ta không hành động bây giờ, tỷ lệ tử vong sẽ tăng cao", Newson nói.
Theo lệnh cấm mới, người dân California sẽ phải ở nhà, tránh đi lại trừ phi ra ngoài để thực hiện các hoạt động đã xin phép như mua nhu yếu phẩm, khám bệnh, dắt chó đi dạo và tập thể dục ngoài trời. Lệnh cấm khi được kích hoạt cũng đặt ra hạn chế mới với hàng loạt hoạt động kinh doanh thương mại.
"Nếu không có bất kỳ hỗ trợ nào cho những người đã mất việc làm trong 10 tháng qua, tôi nghĩ lệnh cấm lần này sẽ đem lại hậu quả rất nghiêm trọng", Cruz Resendiz, 32 tuổi, sống ở Tây Hollywood, nói.
Newsom nhấn mạnh biện pháp mới dù khắc nghiệt nhưng chỉ tạm thời, vì vaccine của một số công ty dược sắp được phê duyệt. Chính quyền đang lên kế hoạch kêu gọi nhân viên y tế, người trong viện dưỡng lão là những người đầu tiên tiêm vaccine. Lô vaccine đầu tiên dự kiến sẽ có mặt sớm nhất vào giữa tháng 12.
Chính quyền địa phương và các bang khắp nước Mỹ đã ra lệnh hạn chế hàng loạt các hoạt động kinh tế xã hội, với hy vọng giảm bớt sự bùng phát trở lại của Covid-19 sau thời gian tạm lắng vào mùa hè.
Cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng đang diễn ra theo chiều hướng nghiêm trọng hơn sau một tuần kỷ niệm Lễ Tạ ơn, khi hàng triệu người Mỹ bất chấp cảnh báo vẫn đi du lịch và tụ tập đông người. Các chuyên gia y tế dự đoán trong vòng hai tháng tới, mỗi ngày có thể có tới 3.000 người chết.
Số người chết vì Covid-19 trung bình trên toàn cầu là 10.000 mỗi ngày trong tuần qua, và tổng số ca tử vong từ khi dịch bùng phát là 1,5 triệu người.
Tiến sĩ Robert Redfield, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), hồi đầu tuần cho hay tháng 12, tháng 1 và tháng 2 có thể là "thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử y tế cộng đồng Mỹ".
"Trước tháng 2, chúng ta có thể sẽ chứng kiến gần 450.000 người Mỹ chết vì loại virus này", ông nói.
Ngoài thiệt hại về người, hệ thống chăm sóc y tế toàn quốc cũng đối mặt với viễn cảnh nguồn lực và nhân sự quá tải tới mức sụp đổ.
Tại khu vực Trung Tây, Thống đốc Mike DeWine hôm 3/12 cho hay các bệnh viện ở Ohio "không những vẫn trong tình trạng khủng hoảng mà còn khủng hoảng tồi tệ hơn", khi bang này ghi nhận số ca nhiễm cao thứ 5 trong nước. Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer hôm 3/12 cũng tuyên bố có thể sẽ gia hạn lệnh "tạm dừng" một số hoạt động kinh tế và cá nhân trong ba tuần.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)