Tiến sĩ Mike Ryan, giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO, hôm 22/6 nói: "Chắc chắn là con số đang gia tăng, vì dịch bệnh phát triển mạnh ở những quốc gia đông dân cũng như trên toàn cầu".
Ryan cho rằng việc nhiều nước gia tăng năng lực xét nghiệm cũng có thể đẩy số thống kê lên cao, nhưng nguyên nhân chính vẫn là dịch bệnh đang mạnh hơn. Số ca nhiễm nCoV toàn cầu đã vượt ngưỡng 9 triệu, tính đến ngày 22/6. Trong đó, Mỹ, Trung Quốc và một số nước thu nhập thấp ghi nhận cụm dịch mới.
Tiến sĩ Ryan cho biết lượng bệnh nhân ở Chile, Argentina, Colombia, Panama, Bolivia và Guatemala cũng đột ngột nhảy vọt. Trong khi đó, mức tăng tại Brazil có thể do thay đổi trong hệ thống báo cáo.
Tuy nhiên, ông cũng bổ sung: "Số xét nghiệm trên đầu người còn thấp, nhưng tỷ lệ dương tính nhìn chung vẫn ở mức cao. Từ quan điểm này, chúng tôi khẳng định xu hướng không liên quan đến việc kiểm tra đại trà, mà chúng ta chưa tính hết các ca mắc thực tế".
Trong vòng một tháng vừa qua, những quốc gia lớn nhất khu vực Mỹ Latinh thường xuyên ghi nhận hơn 1.000 trường hợp tử vong mỗi ngày. Kể từ khi dịch bùng phát mạnh mẽ, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã hứng chỉ trích vì sự yếu kém trong việc xử lý khủng hoảng. Từ tháng 4 đến nay, nước này vẫn chưa có Bộ trưởng Y tế. Ông Bolsonaro còn phản đối biện pháp giãn cách xã hội, gọi đây là phương án "giết người", nguy hiểm hơn virus.
Người đứng đầu Brazil đã quảng bá hai loại thuốc sốt rét chloroquine và hydroxychloroquine như phương pháp điều trị Covid-19 hiệu quả, dù thiếu bằng chứng về tác dụng và độ an toàn.
Ông Ryan cũng lưu ý về tình trạng ở Mỹ.
"Tôi không chắc chắn 100% về độ tuổi, nhưng các bệnh nhân được báo cáo gần đây có xu hướng trẻ hóa. Sự thật là thanh thiếu niên năng động, ra ngoài nhiều hơn và tận dụng triệt để khoảng thời gian nới giãn cách xã hội. Như vậy, điều rõ ràng là mức tăng số ca nhiễm không liên quan đến năng lực xét nghiệm", ông nói.
WHO bày tỏ sự lo lắng đối với Đức, nơi tỷ lệ nhân lên của virus đạt 2,88, cao hơn ngưỡng truyền nhiễm tối đa nếu muốn ngăn ngừa căn bệnh trong thời gian dài.
Theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, giám đốc của tổ chức, sự thiếu thống nhất trong công tác lãnh đạo toàn cầu là mối đe dọa lớn hơn chính đại dịch. Chính trị hóa y tế cũng khiến Covid-19 trở nên tồi tệ hơn.
Thục Linh (Theo Reuters)