"Tôi tổ chức đám cưới đầu năm nay, cũng gặp phải khách một nhà đi bốn người nhưng chỉ mừng 500 nghìn đồng.
Tôi thấy cũng hơi buồn cười nhưng vui vì đông người tham dự, thực sự khách có mặt là tốt lắm rồi. Do điều kiện kinh tế mỗi người mỗi khác nhau nên hoan hỷ.
Cũng có ông anh đồng nghiệp cũ không đi, không gửi phong bì dù thu nhập họ tốt, nhà cũng không quá xa, anh em thỉnh thoảng hay uống cà phê và anh ấy cũng đang độc thân, tôi hơi bất ngờ.
Có vài người mình không mời, nhưng vài tháng sau họ mời cưới, tôi vẫn đi bình thường. Các bạn cứ đặt nặng vấn đề tài chính quá thì mất cái vui, cái ý nghĩa của đám cưới.
Sống xởi lởi thì trời cho lại thôi mà".
Bạn đọc nickname thiensulacduong92 kể về ba tình huống gặp phải khi tổ chức đám cưới đầu năm nay và chia sẻ cách ứng xử như trên. Bình luận này được viết sau câu chuyện Đám cưới lỗ nặng vì 'gia đình đi 4 người, mừng một triệu đồng'.
Một độc giả khác nêu quan điểm Đám cưới có thể lỗ nhưng không phải kinh doanh, vậy nên quan trọng là niềm vui khi quan khách đến đông đủ trong bài 'Đám cưới chi phí 150 triệu, tiền mừng thu về 70 triệu'.
Độc giả Zest cho rằng việc lỗ hay lãi từ khách mời phụ thuộc vào khả năng tính toán và dự trù của cô dâu chú rể:
"Nếu ai bảo đám cưới đi cả nhà bốn người là một triệu là lỗ, vậy xin hỏi nếu những người gửi thiệp 500 nghìn mà không đi thì bạn có lời không? Giả sử những gia đình bốn người kia họ chỉ đi một người và bỏ phong bì 500 nghìn bạn vẫn lỗ như thường.
Những bàn còn thừa không ai ăn bạn vẫn phải trả tiền. Đến ngày cưới bạn có phải đặt thêm bàn hay bảo nhà hàng bớt bàn để tiết kiệm không? Sự thật là không.
Cô dâu chú rể đã lên món đặt bàn cả tháng trước đám cưới rồi, và cô dâu chú rể cũng phải dự trù bao nhiêu khách đi rồi. Còn việc số khách thực tế chênh lệch bao nhiêu so với dự trù là do khả năng tính toán của bạn".
Bạn đọc Duy Tuấn cho rằng tổ chức đám cưới không nên quá quan trọng lỗ lãi mà cần mời đúng người để cả hai bên đều cảm thấy thoải mái:
"Tổ chức đám cưới không tính tới việc lỗ lời nhưng quan trọng là phải mời đúng người. Khách được mời phải cảm thấy vui và muốn tới dự, tránh việc mời tràn lan theo kiểu điểm danh, lấy danh sách cơ quan để mời.
Việc mời không đúng trọng tâm vừa gây khó cho người mời, vừa làm người được mời cảm thấy khó xử. Theo tôi, chỉ nên mời anh em, họ hàng gần, bạn thân, đồng nghiệp thân thiết, vậy là đủ".
Khách mời không có nghĩa vụ góp tiền cho đám cưới, cô dâu chú rể nên tự cân đối chi phí và không nên trách khách, là quan điểm của độc giả Linh Nhi:
"Những người có ý trách khách mời thì nên hiểu thực sự rất ít người quan tâm đến đám cưới của bạn. Bạn kêu không mời thì ngại, nhưng ở vị trí của họ không đi thì cũng ngại chứ không đâu. Nên hiểu giá trị của đồng tiền một cách rõ ràng và công bằng.
Khách mời chỉ cần một suất ăn: 500 nghìn đồng một người là quá dư so với thời giá bây giờ. Họ không có nghĩa vụ góp tiền cho cô dâu chú rể làm đám cưới. Nên tiền trang trí, nhà hàng cô dâu chú rể phải tự cân đối.
Tôi thì rõ ràng hơn. Những đám cưới mời tràn lan, yêu cầu dress code, gửi QR tôi không đi, không gửi. Nhưng tôi sẽ báo với họ ngay từ đầu luôn để họ biết. Tôi chỉ đi và chuẩn bị kỹ với đám cưới của bạn thân, người thân thôi".