Ngày 3/1, anh Dũng, 48 tuổi, nhận chở xe container mít từ Tiền Giang ra cửa khẩu Lạng Sơn. Mỗi chuyến chủ hàng trả 12 triệu đồng kèm tiền ăn 150.000 đồng mỗi ngày. Ra đến cửa khẩu, xe hàng không thể thông quan được vì có hàng nghìn xe tải vẫn đang ùn ứ chờ xếp lốt.
Bốn ngày sau, chủ hàng yêu cầu anh Dũng chở mít xuống cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, với hy vọng sẽ thông quan. Nhưng khi xuống đến Móng Cái, anh cũng gặp tình trạng như ở Lạng Sơn. Xe anh Dũng buộc phải nằm chờ ở khu vực cầu Bắc Luân 2, mỗi ngày mất 100.000 đồng tiền đỗ tại bãi.
Đã gần 20 ngày, xe mít không thể thông quan. Lo mít hỏng nên ngày 18/1 chủ hàng yêu cầu anh Dũng cho xe quay đầu vào trung tâm thành phố Móng Cái bán rẻ cho người dân. "Hoa quả dù bảo quản lạnh, nếu để quá 20 ngày sẽ xuống mã và hỏng", anh Dũng giải thích.
Là lái xe đường dài nên lúc nào anh Dũng cũng chuẩn bị sẵn xoong nồi, bếp, bát đũa. Những ngày qua, anh nấu ăn ngay tại bến xe, vài ngày tắm một lần và đều bằng nước lạnh. Cơm nước xong, anh lại ngồi trên ca bin nghe nhạc, xem điện thoại, thỉnh thoảng mấy anh em lái xe ngồi trò chuyện cùng nhau cho đỡ buồn.
Cầm điện thoại khoe hình con gái, anh Dũng nói nhớ vợ con lắm nên buổi tối thường hay gọi video cho gia đình. Mọi người ở nhà cũng động viên anh cố gắng xong việc rồi về ăn Tết. "Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp cuối năm tại các cửa khẩu như Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh đều xảy ra tình trạng ùn ứ hàng, nhưng chưa bao giờ tôi thấy cảnh tượng thảm hại như thế này", anh Dũng nói.
Hiện khu vực cầu Bắc Luân 2 và cầu phao tạm km3+4 trên sông Ka Long vẫn còn hơn 1.000 xe hàng chưa thể thông quan. Nhiều xe chở xoài, mít, thanh long bị hư hỏng, chủ phải đổ đi. Tài xế cũng phải chờ nhiều ngày, có người như anh Nguyễn Bá Tài (33 tuổi, quê Khánh Hòa) gần 2 tháng chưa được về nhà.
Là chủ xe kiêm tài xế, anh Tài chở xe cá đông lạnh từ Tiền Giang ra cửa khẩu Móng Cái từ giữa tháng 11/2021, nhưng sau 40 ngày vẫn không xuất khẩu được, buộc phải gửi trong kho đông lạnh của doanh nghiệp với giá 1,5 triệu đồng mỗi ngày. Sau đó một xe chở mít chở ra được 20 ngày cũng không xuất được. Chủ hàng lo mít thối nên yêu cầu quay đầu xe vào nội địa để bán rẻ cho người dân.
Ngồi rửa bát đũa dưới gầm xe container, anh Tài nói gần 2 tháng qua ngày nào cũng ăn, ngủ trên xe, mòn mỏi chờ xuất hàng. 13 năm làm nghề lái xe, chưa lần nào anh phải chờ đợi lâu như thế. "Nhớ vợ con nhưng phải cố thôi, chỉ mong sao chủ giải quyết hàng nhanh chóng để sớm được về quê ăn Tết", anh Tài nói.
Chuyên thu mua hoa quả ở miền Tây, chị Mai, chủ một doanh nghiệp tại Móng Cái, cho biết đã thiệt hại nhiều tỷ đồng do 4-5 xe hoa quả như thanh long, mít không thông quan được, bị thối phải đổ đi.
Giá mít thái thu mua tại vườn khoảng 10.000 đồng/kg. Một container chở khoảng 24 tấn, riêng tiền mít là 240 triệu đồng kèm cước xe container chở hàng ra Móng Cái khoảng 90 triệu đồng và nhiều chi phí phát sinh khác. "Tổng chi phí cho một xe mít gần 400 triệu đồng. Nếu hàng không xuất được và bị hỏng phải đổ đi là mất trắng gần 400 triệu đồng", chị Mai tính toán.
Trưa 20/1, lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Móng Cái cho biết hiện tồn khoảng 1.100 xe hàng. Mỗi ngày tại cầu Bắc Luân 2 và cầu phao tạm km3+4 xuất được hơn 100 xe. Tỉnh đã khuyến cáo doanh nghiệp không đưa xe hàng ra cửa khẩu Móng Cái, nhưng mấy hôm nay mỗi ngày vẫn có hàng chục xe ra.
"Nếu từ giờ đến trước Tết Nguyên đán các xe hàng không ra nữa thì sẽ xuất được toàn bộ xe hàng đang bị tồn tại cửa khẩu. Sáng mai, Chi cục sẽ họp và có giải pháp cụ thể. Trường hợp các xe hàng vẫn ra, đơn vị sẽ yêu cầu thành phố cho dừng ở km15 và yêu cầu các xe quay đầu", vị này nói.
Trước đó, tỉnh Quảng Ninh tạm dừng tiếp nhận xe chở hoa quả, thủy sản đông lạnh qua cửa khẩu, lối mở ở Móng Cái từ 17/1 đến 31/1 (trước Tết Nguyên đán) để giải quyết hết số hàng tồn. Nguyên nhân là phía Trung Quốc tăng cường biện pháp phòng chống dịch, chỉ nhập khẩu số lượng nhỏ giọt.