Quá trình bóc tách vùng mặt bệnh nhân kéo dài ba giờ do da quá dày, vùng mô bị xơ cứng toàn bộ như đá. Vùng cơ cũng gần như bị teo toàn bộ do tiền sử viêm mạn tính gần 15 năm. "Nếu không tính toán cẩn thận và liên tục kiểm soát mạch máu sẽ có rủi ro, nguy hiểm nhất có thể chảy máu và hoại tử toàn bộ vùng mặt. ", tiến sĩ Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện JW, phẫu thuật viên chính, chia sẻ.
Kíp mổ đã cắt bỏ da dư, may tạo hình vùng mặt. Kết thúc công đoạn này, kíp phẫu thuật thay đổi toàn bộ dụng cụ mổ và trang phục bảo hộ để đảm bảo vô trùng, trước khi tái tạo vùng cổ chảy xệ.
"Lớp da cứng và dày như bị hóa thạch nghìn năm", bác sĩ Dung nói. Ông đã phải liên tục yêu cầu thay đổi dao mổ để xử lý lớp da dày này.
Sau tạo hình cổ, các bác sĩ tạo hình vùng môi và miệng. Kíp mổ lấy 20 mẫu sinh thiết để gửi đến nhiều trung tâm xét nghiệm trong và ngoài nước, hy vọng có thể xác định nguyên nhân gây bệnh để ngăn ngừa các diễn biến bệnh tái phát.
Dự kiến sau 6-8 tuần, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật lần hai. Bệnh nhân cần trải qua 4-5 lần mổ trong khoảng hai năm với mục tiêu khuôn mặt có thể gần như bình thường.
Sáng 16/8, dù đau nhẹ nhưng anh Mến tỉnh táo, các dấu hiệu sinh tồn ổn, có thể ngồi dậy trên giường. Gương mặt vẫn còn băng bó nhưng trông gọn hơn, lần đầu nhìn thấy được hàm răng dưới.
Bệnh nhân Lê Văn Mến bị chảy xệ mặt từ năm 20 tuổi, phải ngủ ngồi vì không thể thở khi nằm. Các bác sĩ hội chẩn với nhiều chuyên gia nước ngoài, thực hiện hàng chục xét nghiệm chuyên sâu, gửi mẫu sinh thiết đi nhiều nơi, gửi mẫu giải mã 23.000 gene sang Thái Lan phân tích nhưng hiện vẫn không tìm được đáp án chính xác của căn bệnh.