Ngày 3/1, bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 Việt Nam tại Phái bộ Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan (UNMISS) cử kíp mổ gồm thiếu tá bác sĩ Nguyễn Thành Nam (Trưởng khoa Ngoại); thượng úy bác sĩ sản khoa Tống Vân Anh; đại úy bác sĩ Nguyễn Văn Tú; đại úy bác sĩ Ngô Quốc Hoàn, cùng đội gây mê và dụng cụ.
Bác sĩ Vân Anh xác định đây là ca khó. Sản phụ 22 tuổi người Nam Sudan mang thai lần hai, 35 tuần, có dấu hiệu vỡ ối chuyển dạ kéo dài, tuy nhiên đầu em bé không lọt gây suy thai. Sản phụ bị gù vẹo cột sống nặng do di chứng lao cột sống, do đó các bác sĩ gặp khó khăn khi mổ bởi bệnh nhân không thể nằm ngửa ở tư thế bình thường, cũng như không thể vô cảm bằng phương pháp gây tê tủy sống. Các bác sĩ phải gây mê nội khí quản với hệ thống máy thở thô sơ, đồng thời kíp gây mê liên tục bóp bóng bằng tay trong suốt quá trình phẫu thuật gần 2 giờ.
Bé trai 4 kg chào đời không khóc, trương lực cơ yếu, phải bóp bóng trợ thở. Các bác sĩ tiến hành hồi sức sơ sinh tích cực khoảng 15 phút thì bé khóc được, trương lực cơ tốt. Người mẹ tử cung co hồi kém, bác sĩ phải sử dụng thuốc co hồi tử cung, sau khi xử trí tử cung co tốt.
"Tiếng khóc đầu tiên của em bé khiến mọi người trong phòng mổ vỡ òa niềm vui", bác sĩ Vân Anh cho biết và nói rằng ca mổ thành công một phần nhờ sự phối hợp nhiệt tình của các bác sĩ ở tổ chức MSF, trong điều kiện thuốc men, trang thiết bị, dụng cụ phòng mổ không đầy đủ.
Bác sĩ Vân Anh cũng cho biết "rất hồi hộp" bởi đây là ca mổ sản đầu tiên tại Nam Sudan cô đứng ở vị trí phẫu thuật viên chính, trong điều kiện dã chiến. Hình ảnh sản phụ 22 tuổi thấp bé, gù vẹo biến dạng cột sống, rất đáng thương, là động lực để bác sĩ cùng kíp mổ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Thành Nam cho hay, bệnh viện dã chiến cấp 2 Việt Nam đang thiếu một số vị trí chuyên khoa do các nhân viên mắc Covid-19 phải cách ly điều trị; 25% quân số nghỉ phép; trong khi bệnh viện đóng vai trò chính trong sàng lọc, điều trị các ca Covid-19 tại phân khu Bentiu.
Nhân viên phòng mổ bệnh viện MSF Pou James cho biết "rất ấn tượng với kíp phẫu thuật của bệnh viện 2.3". "Các bạn rất chuyên nghiệp, chúng tôi nể phục các bạn bởi hành động sẵn sàng cứu mạng sống người dân địa phương", Pou James nói với các đồng nghiệp Việt Nam khi ca mổ thành công.
Trưởng y tế phái bộ UNMISS đã gửi thư ghi nhận đóng góp của bệnh viện dã chiến 2.3 Việt Nam, đề nghị tiếp tục tham gia hỗ trợ bệnh viện MSF trong những ca phẫu thuật tiếp theo khi được đề nghị.
Ngày 1/10/2018, Việt Nam lần đầu tiên cử Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Bentiu, Nam Sudan. Bệnh viện số 3 sang thay thế cho bệnh viện số 2 vào tháng 4/2021.