Ngày 13/3, bác sĩ Nguyễn Việt Phương, Trưởng khoa Nội - Truyền nhiễm (Bệnh viện dã chiến cấp 2, số 2) cho hay, tình huống diễn tập là một nữ nhân viên Liên hợp quốc, 30 tuổi có biểu hiện sốt, ho đã 2 ngày. Nhân viên này có tiền sử đi du lịch qua Hàn Quốc 2 tuần trước, tiếp xúc với một số người có triệu chứng tương tự và những người này sau đó được chẩn đoán dương tính nCoV.
Sau khi nhận thông tin, nhân viên Phòng tác chiến (Operation room) đã báo cáo chỉ huy Bệnh viện và ngay lập tức, kế hoạch phòng chống, cấp cứu, điều trị được khởi động. Bệnh nhân được đưa vào khu cách ly.
Tại đây, bệnh nhân giả định được các bác sĩ và điều dưỡng Khoa Nội - Truyền nhiễm với các trang thiết bị thực hiện quy trình thăm khám, làm các xét nghiệm với dụng cụ bảo hộ và quy trình khử khuẩn nghiêm ngặt theo đúng hướng dẫn của cơ quan Y tế Liên hiệp quốc và Tổ chức Y tế thế giới.
Bác sĩ Nguyễn Việt Phương nói địa bàn tại Nam Sudan luôn tiềm ẩn các bệnh truyền nhiễm tối nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh tại cộng đồng và trong đơn vị.
Vì vậy, ngay từ khi huấn luyện tiền triển khai, Ban giám đốc Học viện Quân y và Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam đã chỉ đạo xây dựng các kế hoạch đối phó, đặc biệt trong phòng, chống Ebola và các bệnh truyền nhiễm khác. Thuốc men, thiết bị cơ bản phục vụ phòng, chống dịch bệnh cũng được chuẩn bị đầy đủ.
Bác sĩ Võ Văn Hiển, Giám đốc bệnh viện dã chiến số 2 cho hay, hiện phái bộ gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan chưa có ca nhiễm nCoV. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh xuất hiện rất cao do môi trường hoạt động đa quốc gia, nhân viên thường xuyên di chuyển, có thể mang theo mầm bệnh từ nơi khác đến.
"Trong điều kiện thiếu hụt về nguồn lực, vệ sinh môi trường, khả năng kiểm soát bệnh tật của hệ thống y tế UNMISS cũng như quốc gia sở tại chưa tốt, nếu có bệnh nhân mắc nCoV thì nguy cơ bùng phát dịch là rất cao. Vì vậy, chúng tôi xây dựng kịch bản ứng phó, diễn tập để sẵn sàng việc cách ly, điều trị", trung tá Hiển nói.