Ba dự án khắc phục sạt lở đặc biệt nguy hiểm có tổng chiều dài gần 21 km, gồm đoạn từ Hố Gùi đến Bồ Đề hơn 7,5 km, kinh phí 400 tỷ đồng; đoạn từ Kiến Vàng đến Ông Tà hơn 6,2 km, kinh phí 350 tỷ đồng; đoạn từ Kênh 5 Ô Rô đến Vàm Xoáy hơn 7 km, kinh phí khắc phục 550 tỷ đồng.
Theo chính quyền tỉnh Cà Mau, 10 năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, cùng với tình trạng sụp lún đất khiến bờ biển của tỉnh bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Hiện, tổng chiều dài các đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm gần 84 km; trong đó bờ biển Tây 22 km, bờ biển Đông gần 62 km.
Tháng 8/2023, tỉnh đã ban bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với các đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm, thực hiện 6 dự án. Thời gian qua, Cà Mau đã huy động mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả do sạt lở gây ra, song quy mô và mức độ sạt lở quá lớn, còn rất nhiều vị trí nghiêm trọng chưa được xử lý vì thiếu kinh phí.
Vào tháng 10/2023, địa phương đã được trung ương hỗ trợ 500 tỷ đồng để làm 3 dự án khẩn cấp chiều dài 7,6 km. Hiện, gần 21 km bờ biển Đông trên địa bàn đang diễn biến sạt lở rất phức tạp, cần phải nhanh chóng xây dựng kè để bảo vệ an toàn cho người dân, hạ tầng, sản xuất.
Cà Mau địa hình thấp, là tỉnh duy nhất của cả nước có ba mặt giáp biển, chịu ảnh hưởng của hai chế độ triều cường gồm nhật triều của biển Tây và bán nhật triều không đều của biển Đông. Theo các chuyên gia Cà Mau là địa phương dễ bị tổn thương nhất trước những tác động của biến đổi khí hậu trong khu vực.
Theo thống kê, giai đoạn 2011-2021, sạt lở làm mất khoảng 5.251 ha rừng ven biển, tương đương diện tích một xã của tỉnh.
Chúc Ly