Sáng 27/7, anh Nguyễn Viết Lời (35 tuổi) nghỉ công việc ở Đà Nẵng để chở hai con về quê vợ ở làng Thạch Tân, xã Tam Thăng (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) dự đám giỗ truyền thống của gia đình. Sáu năm làm rể vùng này, đám giỗ đã trở nên quen thuộc với anh.
Gia đình vợ anh Lời có nhiều người hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Đất nước hòa bình, nhà nước có chế độ hương khói đối với người có công. Nhận tiền hỗ trợ, các gia đình ở Thạch Tân thường làm mâm cơm cúng trong ngày thương binh liệt sĩ 27/7.
"Lễ cúng để tưởng nhớ người đã khuất, nhắc nhở con cháu biết ơn các anh hùng liệt sĩ. Dù bận việc đến mấy, chưa năm nào gia đình nhỏ của tôi vắng mặt", anh Lời nói. Ngày 27/7 cũng là dịp con cháu trong gia đình gặp gỡ, thăm hỏi công việc của nhau.
Đã trở thành lệ, sáng 27/7, bà Nguyễn Thị Bông (79 tuổi, làng Thạch Tân) chuẩn bị hai mâm cơm cùng hoa quả. Một mâm bà đặt trong gian thờ ba liệt sĩ và một bà mẹ Việt Nam anh hùng; một mâm đặt ngoài sân nhà để cúng cô bác - những người hy sinh trong chiến tranh. Bà lặng lẽ thắp hương, cầu nguyện cho người đã khuất yên nghỉ.
Nhà bà Bông nằm sau ngôi đình làng Thạch Tân, nơi bắt đầu của địa đạo Kỳ Anh chạy quanh xã Tam Thăng. Địa đạo được đào từ tháng 5/1965, hoàn thành năm 1967 với chiều dài 32 km nhằm nuôi giấu cán bộ. Bà Bông cũng tham gia đào địa đạo và bị bắt. Địch tra tấn bà ngay tại địa đạo Kỳ Anh nhằm lấy thông tin về căn cứ cách mạng đóng chân tại quê nhà, nhưng bà không khai.
Lần lượt sau đó cha, các chị gái, em trai của bà Bông hy sinh trong kháng chiến. Đất nước thống nhất, bà Bông sống một mình chăm lo hương khói cho người đã khuất. "Dù cuộc sống có nghèo khó thì đến ngày thương binh liệt sĩ, tôi vẫn làm mâm cơm đặt lên bàn thờ tưởng nhớ cha, em mình và những người khác đã hy sinh", bà Bông nói.
Cạnh nhà bà Bông, ông Nguyễn Văn Ngọ (53 tuổi) đã làm xong mâm cơm đặt trước bàn thờ bốn liệt sĩ và hai bà mẹ Việt Nam anh hùng. "Với tôi, 27/7 là ngày quan trọng, ngoài ngày giỗ riêng của từng người thân hy sinh thì đây là ngày giỗ chung", ông Ngọ nói, cho biết đã duy trì lễ giỗ gần 20 năm. Sau này già yếu, ông sẽ dặn con cháu tiếp nối truyền thống cúng ngày thương binh liệt sĩ.
Trưởng thôn Thạch Tân, ông Huỳnh Kim Ta cho biết, làng có 263 hộ dân, nhưng có 59 bà mẹ Việt Nam anh hùng; 203 anh hùng liệt sĩ. Ngoài ra, 18 người đang hưởng chính sách, 8 thương binh và 12 người bị ảnh hưởng chất độc da cam. Ông Ta có mẹ Việt Nam anh hùng; anh trai là liệt sĩ.
"Ngoài ngày giỗ của những người đã khuất thì đến ngày 27/7 người dân Thạch Tân đều làm lễ cúng. Đây là truyền thống được người dân thực hiện hàng chục năm nay", ông Ta nói và cho biết dù ai có bận việc gì thì cũng nghỉ để làm mâm cơm đặt lên bàn thờ, lễ vật có hoa quả, bánh trái và đồ mặn.
Nhiều gia đình có người thân hy sinh, đến nay chưa tìm được hài cốt, cũng không biết ngày mất. Tưởng nhớ cha là liệt sĩ Huỳnh Ngộ, anh Huỳnh Kim Nho làm mâm cơm cúng ngày 27/7 - coi đó ngày giỗ cha.
"Gần 45 năm kết thúc chiến tranh, gia đình đã đi tìm nhiều nơi, nhưng chưa thấy hài cốt của cha. Chúng tôi vẫn mong chờ một ngày tìm được hài cốt cha đưa về quê nhà an táng", anh nói.
Quảng Nam có 65.000 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, trên 30.000 người mang thương tật suốt đời. Tỉnh có nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng nhất cả nước, với 11.658 mẹ.