Tuổi thọ của cá vây tay được cho là khoảng 20 năm, nhưng ước tính mới cho thấy đây là loài cá sống tới trăm tuổi, cùng với cá mập. Cá nhà nghiên cứu Pháp xem xét những dấu vết trên vảy ở mẫu vật tại bảo tàng, giống như vòng cây hé lộ tuổi của cây cối. Họ cho rằng cá vây tay chỉ sinh sản ở cuối tuổi trung niên và có thể mang thai lâu tới 5 năm. Họ công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Current Biology.
Cá vây tay phát triển chậm và đẻ rất ít con non nên đặt biệt dễ tổn thương trước áp lực tuyệt chủng như biến đổi khí hậu và đánh bắt quá mức. Việc hiểu rõ chu kỳ sống của chúng có thể giúp tăng cường các biện pháp bảo vệ và bảo tồn, theo tiến sĩ Bruno Ernande ở Đại học Montpellier, Pháp.
Giới nghiên cứu cho rằng cá vây tay đã tuyệt chủng từ lâu cho tới khi phát hiện chúng trong lưới đánh cá ở ngoài khơi Nam Phi năm 1938. Hai quần thể được phát hiện sau đó ở vùng biển phía đông châu Phi và Sulawesi, Indonesia. Quần thể ở châu Phi nằm trong nhóm vô cùng nguy cấp, có thể chỉ còn lại vài trăm cá thể.
"Cá vây tay dường như có chu kỳ sống chậm nhất trong số các loài cá biển, gần với cá mập biển sâu", nhà khoa học Kélig Mahé ở Viện nghiên cứu ngư nghiệp biển Bắc tại Boulogne-sur-mer, Pháp, cho biết. "Kết quả của chúng tôi chỉ ra chúng bị đe dọa nhiều hơn dự đoán do chu kỳ sống kỳ lạ. Những thông tin mới về sinh học và chu kỳ sống của cá vây tay rất quan trọng đối với công tác bảo tồn và quản lý loài này".
Trong tương lai, các nhà khoa học lên kế hoạch tiến hành phân tích thêm vảy cá vây tay để tìm hiểu tốc độ sinh trưởng của chúng có liên quan tới nhiệt độ hay không. Câu trả lời sẽ cung cấp thêm hiểu biết về tác động của biến đổi khí hậu tới cá vây tay.
Tổ tiên của cá vây tay tiến hóa cách đây 420 triệu năm, sống sót qua quá trình xê dịch của các lục địa cũng như vụ va chạm thiên thạch khiến khủng long bị xóa sổ. Trú ngụ trong hang dưới đáy biển, các cá thể có thể dài tới 1,8 m, nặng hơn 90 kg.
An Khang (Theo Yahoo)