Xây dựng từ năm 1745 với tiền thân là trại tạm giam, nhà tù IK-6 tại thị trấn Sol-Iletsk, tỉnh Orenburg, Liên bang Nga, là nơi thụ án của khoảng 700 người mang hình phạt chung thân không được ân xá, đa phần là những kẻ giết người hàng loạt, khủng bố... Số nạn nhân thiệt mạng dưới tay những kẻ này ước tính hơn 3.500 người, trung bình 5 nạn nhân với mỗi tên.
IK-6 còn có tên gọi nổi tiếng khác là nhà tù "Cá heo đen" do có những bức tượng cá heo đặt ở sân trước - tác phẩm của các phạm nhân.
Phạm nhân bắt đầu một ngày mới bằng bài tập thể dục lúc 6h và không được phép nằm nghỉ trên giường trong vòng 16 tiếng tiếp theo. Họ được cho ăn súp và bánh mì bốn bữa một ngày, không được xem tivi nhưng vẫn có thể đọc sách báo, tạp chí và nghe radio trong thời gian nhất định.
Mỗi buồng giam đều có ba lớp cửa thép và được thiết kế theo dạng "phòng giam trong phòng giam", diện tích khoảng 4,6 m2 đủ để giam giữ hai người. Trước cửa treo ảnh phạm nhân cùng hành vi tội phạm. Trong phòng có camera an ninh 24/24h, đèn luôn bật sáng và hành lang có cảm biến chuyển động. Cứ mỗi 15 phút, cán bộ quản giáo sẽ kiểm tra một vòng các phòng để đảm bảo không có điều bất thường.
Đặc điểm khác biệt tại nhà tù này là sự cô lập. Phạm nhân nếu không có cùng buồng giam sẽ ít khi được tiếp xúc với nhau. Mọi hoạt động trong "Cá heo đen" đều được thực hiện ở mức tách biệt nhất có thể, do đó không có nhà ăn hoặc sân tập thể dục chung. Bữa ăn được chuyển trực tiếp tới mỗi phòng giam, 90 phút tập thể dục mỗi ngày sẽ diễn ra trong căn phòng được quây kín bằng tường bao và song sắt, không nhìn thấy bầu trời.
Trong lúc phạm nhân tập thể dục, cán bộ quản giáo sẽ kiểm tra phòng để tìm đồ cấm hoặc dấu hiệu của việc chuẩn bị đào tẩu như dây điện hoặc song sắt bị lệch vị trí...
Khi mới tới "Cá heo đen", phạm nhân sẽ bị bịt mắt để đảm bảo bí mật. Mỗi khi được cho ra khỏi phòng giam, họ đều bị ba người áp giải và có cảnh khuyển đi kèm. Phạm nhân bị còng tay và đi lại trong tư thế cúi gập người về trước để không có sức chống cự và không nhớ được đường đi vì mất phương hướng.
Phạm nhân được chọn nơi làm việc (ví dụ như xưởng mộc hoặc xưởng may) để kiếm tiền mua thêm đồ ăn hoặc đồ cá nhân, gọi điện thoại. Mỗi năm, phạm nhân được phép gặp người thân bốn lần, một lần có thể kéo dài tới ba ngày.
Các phạm nhân tại "Cá heo đen" sẽ không bao giờ được trả tự do vì có mức độ nguy hiểm lớn với xã hội. Với chế độ canh gác nghiêm ngặt, giám thị cho biết chưa phạm nhân nào có thể trốn thoát khỏi đây, ngoại trừ "qua đường nghĩa địa".
Quốc Đạt (Theo Russian Today, Moscow Times)