Bệnh nhân được ghép tạng hiện tỉnh táo dù thở máy, vết mổ khô, các chỉ số về đường huyết và thận tương đối bình thường. Người được ghép thận-tụy là thượng úy Phạm Thái Huyên, 43 tuổi, công tác tại Ban chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La.
Bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam được ghép đa tạng (thận-tụy). Ảnh: Bệnh viện cung cấp. |
Phó giáo sư Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện 103 cho biết, ca mổ diễn ra ngày 1/3, kéo dài 13 giờ. Hơn 150 y bác sĩ tham gia ca phẫu thuật tại đồng thời 4 phòng mổ. Cùng với ca ghép này, các bác sĩ cũng tiến hành ghép thận, gan cho hai bệnh nhân khác.
Bệnh nhân có tiền sử bệnh đái tháo đường tuýp 1, suy thận độ 2 hơn 10 năm. Thời gian gần đây, bệnh diễn biến ngày một nặng hơn, bệnh nhân hay bị ngất. Hai tháng trước, anh phải nhập viện một lần, điều trị khoảng nửa tháng.
Theo phó giáo sư An, thành công bước đầu của ca ghép tụy-thận này mở ra triển vọng rất lớn để đội ngũ y bác sĩ tại Việt Nam khẳng định tay nghề và trình độ ngang tầm quốc tế. Với kỹ thuật ghép tạng, các bác sĩ sẽ cứu sống được nhiều trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, cũng như nhiều nước, điều khó khăn hiện nay là nguồn tạng hiến tặng rất hiếm, trong khi nhu cầu của người bệnh rất lớn.
Ca ghép tim đầu tiên thành công được các y bác sĩ Học viện Quân y, Bệnh viện 108 thực hiện vào năm 2010.
Cả nước hiện có 13 cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện các kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người. Chi phí cho một ca ghép tạng trong nước bằng khoảng 1/4 so với nhiều nước phát triển. Nhu cầu ghép bộ phận cơ thể người ở Việt Nam rất lớn. Cả nước hiện có 6.000 người bị suy thận mãn cần được ghép thận, 5.000 người chờ ghép giác mạc. Riêng tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có trên 1.500 người được chỉ định ghép gan. |
Phương Trang