Ngày 16/11, tại hội nghị ghép mô tạng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết nhu cầu ghép mô, tạng của người bệnh rất lớn. Nhưng với hơn 10 cơ sở y tế thực hiện kỹ thuật này thì vẫn chưa đáp ứng được. "Nguyên nhân một phần do năng lực, điều kiện cơ sở vật chất, nhưng phần lớn do khan hiếm nguồn mô tạng", bà Xuyên nói.
Riêng nhu cầu ghép giác mạc, ước tính cả nước có khoảng 150.000 người. Là cơ sơ y tế đầu ngành, tại Bệnh viện Mắt Trung ương, danh sách chờ ghép là gần 700 người, tuy nhiên mỗi năm bệnh viện chỉ thực hiện được khoảng 100 ca.
Theo Bộ Y tế, hàng chục nghìn bệnh nhân mắc bệnh mãn tính như: suy tim, thận, gan, đái tháo đường, hỏng giác mạc... rất cần được ghép mô, tạng nhưng không có nguồn cho. Đến nay, cả nước mới chỉ thực hiện gần 900 trường hợp ghép thận, 23 ghép gan và 9 ghép tim.
Nhiều chuyên gia cho biết, nguồn tạng chủ yếu ở nước ta hiện nay là từ người cho sống, chiếm đến 95%. Việc ghép từ người chết não chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Theo phó giáo sư Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện Quân y 103, đã có Luật hiến, lấy, ghép mô tạng nhưng chưa có các văn bản hướng dẫn thực hiện. Việc hiến tặng tạng không nhiều, theo ông An là do quan niệm cho rằng nếu như vậy sẽ chết không toàn thây. Do thiếu nguồn tạng cho, đặc biệt là thận, nên người bệnh thường tìm tới người môi giới mua bán và có nguy cơ vi phạm pháp luật.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đưa giải pháp cần có chiến lược truyền thông vận động hiến tặng mô và bộ phận cơ thể trên phạm vi toàn quốc. Nên tôn tinh và ưu đãi cho người sống hiến tạng tự nguyện và thân nhân của người chết não đã hiến tạng; tổ chức nghi lễ tôn vinh; miễn giảm viện phí, bảo hiểm y tế lâu dài, miễn giảm học phí, ưu tiên đào tạo nghề cho con em họ...
Nam Phương