Cộng dồn từ đầu năm đến nay, thành phố có 756 ca Covid-19. CDC lấy 10 mẫu bệnh phẩm tại 6 quận, huyện, thị xã, gồm Hoàng Mai, Thường Tín, Sơn Tây, Ba Vì, Ứng Hòa, Thanh Oai, gửi Bệnh viện Bạch Mai giải trình tự gene virus tìm biến chủng mới. Hiện, chưa có kết quả giải trình tự gene số mẫu này.
CDC Hà Nội yêu cầu các đơn vị theo dõi tình hình dịch, biến chủng mới của nCoV trên thế giới và trong nước để kịp thời phòng, chống. Dự báo số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, nhất là trong kỳ nghỉ lễ.
Như vậy, Hà Nội vẫn là địa phương ghi nhận số ca nhiễm cao nhất trong hơn một tuần qua. Số ca nhiễm ở Hà Nội tăng, kéo theo cả nước tăng. Thống kê của Bộ Y tế hôm 16/4, tuần qua cả nước ghi nhận 2.653 ca mới, trung bình 380 ca/ngày. Riêng 3 ngày gần đây số ca mắc mới liên tiếp trên 700 ca/ngày. Các tuần trước đó, mỗi ngày chỉ thêm vài ca.
Số bệnh nhân nặng phải thở oxy cũng tăng, lên 38 ca, nhiều hơn 28 ca so với báo cáo ngày 15/4. Trong số này, 36 trường hợp phải thở oxy qua mặt nạ, 2 ca thở oxy cao tần (HFNC). Bệnh nhân nặng đa số là người cao tuổi, người có bệnh nền. Còn hầu hết ca nhiễm đợt này đều triệu chứng nhẹ, theo dõi điều trị tại nhà.
Đến nay, gần 4 tháng liên tiếp, Việt Nam chưa ghi nhận ca tử vong do Covid-19. Bộ Y tế khuyến cáo người dân duy trì biện pháp 2K (khẩu trang, khử khuẩn) và tiêm vaccine để phòng lây nhiễm, giảm nguy cơ bệnh nặng, tử vong nếu nhiễm virus.
Lý giải số ca Covid mới tăng trở lại, ông Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng do miễn dịch của người sau tiêm vaccine hoặc từng nhiễm đã giảm. Ngoài ra, thời tiết giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển, trong khi nhiều người lơ là không đeo khẩu trang nên lây nhiễm bệnh.
Hôm 14/4, TP HCM công bố xuất hiện biến chủng mới của Omicron là XBB.1.5. Đây là biến chủng có đặc tính lây lan nhanh, nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng về tăng ca nặng.
Lê Nga