Bộ Y tế Philippines hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 8.929 ca nhiễm và 70 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.006.428 và 16.853. Philippines hiện là vùng dịch lớn thứ hai ở Đông Nam Á, sau Indonesia.
Các nhà phân tích cho biết ca nhiễm ở khu đô thị Manila, nơi ghi nhận gần 50% số ca nhiễm, đang giảm nhờ những hạn chế nghiêm ngặt về kiểm dịch được áp dụng từ giữa tháng 3. Tuy nhiên, họ cảnh báo còn quá sớm để mở cửa thêm nền kinh tế.
"Xu hướng không ổn định ở chỗ việc giảm chưa được duy trì trong thời gian dài", giáo sư Guido David, phát ngôn viên Nhóm nghiên cứu Octa có trụ sở tại Philippines, cho hay.
Bộ trưởng Y tế Francisco Duque đồng tình với quan điểm này. "Nếu xem xét dữ liệu, tôi nghĩ chúng ta cần mở rộng MECQ (kiểm dịch cộng đồng tăng cường đã được sửa đổi) thêm một hoặc hai tuần vì năng lực hệ thống y tế chưa được cải thiện đáng kể. Năng lực đơn vị chăm sóc tích cực ở một số thành phố vẫn chịu nguy cơ nghiêm trọng", ông nói.
Philippines phong tỏa khu đô thị Manila và 4 tỉnh lân cận, nơi sinh sống của 1/4 dân số cả nước, từ 29/3 đến 10/4 nhằm ngăn chặn các biến thể lây lan nhanh. Với 10.000-15.000 ca mới mỗi ngày, Philippines chứng kiến ca nhiễm cao gấp đôi so với thời điểm đỉnh dịch tháng 8 năm ngoái.
Các bệnh viện quá tải đến mức nhiều người chết vì Covid-19 trước khi được đưa vào phòng cấp cứu. Một số người chết trong lều dựng tại bãi đậu xe của bệnh viện. Ít nhất một người chết khi cố gắng tự cách ly trong ô tô của mình.
Các hạn chế được nới nhẹ từ 11/4 theo MECQ. Quan chức chính phủ và các chuyên gia y tế đang tranh luận nên duy trì hạn chế hiện tại hay nới thêm sau 30/4. Tổng thống Rodrigo Duterte dự kiến công bố quyết định vào 28/4.
Octa Research cho biết trong báo cáo mới nhất rằng tốc độ sinh sôi của virus đã giảm xuống dưới 1, đồng nghĩa sự lây lan đã được kiềm chế. Ca nhiễm giảm 20% tuần trước và ca trung bình hàng ngày giảm 30%. Tỷ lệ dương tính trong số những người được xét nghiệm giảm xuống 19% so với 25% trước đó.
Hiện cũng có nhiều giường bệnh hơn, dù vẫn không đủ để giải phóng hệ thống y tế. "Bất cứ điều gì chúng tôi làm hiện nay đều phải tăng gấp đôi. Chúng tôi không nói hệ thống này hoàn hảo, nhưng chúng tôi đang cố hết sức để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, mở rộng năng lực hệ thống y tế và ứng phó tình trạng y tế công cộng khẩn cấp", Bộ trưởng Vergeire nói.
Cột mốc nghiệt ngã ở Philippines được ghi nhận khi tình hình dịch bệnh trong khu vực diễn biến phức tạp. Giới chức Thái Lan hôm nay báo cáo tổng số ca nhiễm lên hơn 57.500, tăng gần gấp đôi chỉ trong 20 ngày so với tổng số 29.000 ca đầu tháng này.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp buộc giới chức phải áp đặt thêm loạt hạn chế nghiêm ngặt. Tại thủ đô Bangkok và 46 tỉnh khác, đeo khẩu trang nơi công công là yêu cầu bắt buộc. Người vi phạm có thể bị phạt 20.000 bath (640 USD). Giới chức thủ đô cũng đóng cửa loạt địa điểm gồm rạp chiếu phim, công viên, phòng tập, hồ bơi, spa và nhà trẻ.
Tại Campuchia, nơi cũng đang trải qua sóng Covid-19 mới, thủ đô Phnom Penh bị phong tỏa, tất cả chợ bán đồ tươi sống trong thành phố bị đóng cửa 14 ngày. Thủ tướng Hun Sen hôm qua lệnh thực thi nghiêm khắc hơn các biện pháp phong tỏa.
Lào, quốc gia gần như không chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch trong năm ngoái, chứng kiến ca nhiễm tăng vọt từ 58 lên 323 trong vòng chưa đầy một tuần.
Thủ đô Vientiane bị phong tỏa từ tuần trước, chính quyền cấm người dân rời khỏi nhà trừ khi cần mua nhu yếu phẩm hoặc tới bệnh viện. Cố đô Luang Prabang cũng bị phong tỏa từ 25/4.
Huyền Lê (Theo Straits Times, Reuters)