Các bệnh viện tư tại thủ đô Manila, Philippines, đã ngừng tiếp nhận bệnh nhân nhiễm nCoV khi số lượng người mắc bệnh và những người có nhu cầu tới làm xét nghiệm ngày một tăng.
"Nó giống như thời chiến vậy", Eugenio Ramos, bác sĩ và cũng là lãnh đạo bệnh viện tư The Medical City, một trong những nơi đầu tiên từ chối người nhiễm nCoV, cho biết.
Philippines đã báo cáo các trường hợp nhiễm nCoV tương đối ít hơn so với nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á, với hơn 800 trong đó hơn 50 người chết. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo tình trạng thiếu xét nghiệm có thể khiến quy mô thực sự của dịch chưa được phơi bày.
"Ngày càng có nhiều người đến, rất nhiều người lo sợ, một trong số họ đang ở giai đoạn phát triển bệnh nghiêm trọng", Ramos nói, thêm rằng các cơ sở y tế đã quá tải tới mức những bệnh nhân đáng lẽ nên nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt nay chỉ được đặt ống thở để duy trì mạng sống.
Đây là cảnh tượng gần giống với những bệnh viện ở các nước đang bị Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng, song lại xảy ra chưa đầy ba tuần kể từ khi Philippines, đất nước có 107 triệu dân, phát hiện ca nhiễm đầu tiên.
Tình hình ở Philippines cũng tương tự Indonesia, quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, nơi có tỷ lệ tử vong vì nCoV khoảng 8,3%, cao nhất khu vực và cao gần gấp đôi tỷ lệ 4,5% toàn thế giới.
Cựu Bộ trưởng Y tế Philippines Esperanza Cabral cho biết tỷ lệ nhiễm bệnh được báo cáo có lẽ chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm", do nước này đến nay mới xét nghiệm hơn 2.100 trường hợp.
"Chúng ta không thể đánh giá mức độ bùng phát của dịch cho đến khi tiến hành xét nghiệm với khoảng 10.000 đến 20.000 người", Cabral nhận định. Trong khi đó, một nghiên cứu từ Đại học Oxford, Anh cho rằng số ca nhiễm nCoV tại Philippines có thể đã vượt 11.000.
Philippines đã thực hiện các biện pháp quyết liệt để ngăn Covid-19 lây lan sau khi phát hiện ca nhiễm nội địa đầu tiên hôm 7/3, trở thành quốc gia thứ ba sau Trung Quốc và Italy, áp hạn chế nghiêm ngặt với người dân, đình chỉ các hoạt động không thiết yếu. Tuy nhiên, hệ thống y tế nước này được cho là vẫn còn yếu kém.
Philippines mỗi năm cử khoảng 19.000 y bác sĩ ra đào tạo ở nước ngoài. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tại Philippines, cứ khoảng 10.000 người sẽ có 14 bác sĩ và 10 giường bệnh, trong khi tỷ lệ này ở Italy là 40 bác sĩ và 30 giường bệnh.
Một nhân viên y tế phòng cấp cứu cho biết bệnh nhân có thể phải chờ tới 6 giờ và thậm chí những người non trẻ kinh nghiệm được cử đi điều trị cho bệnh nhân nguy kịch do thiếu nhân lực. 9 y bác sĩ Philippines đã tử vong và hàng trăm người khác bị cách ly vì tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh.
Bệnh viện Đại học Santo Tomas có 530 nhân viên y tế bị cách ly. Bệnh viện Đa khoa và Trung tâm Y tế Trung Quốc, một trong những bệnh viện lâu đời nhất ở Philippines, cho biết họ không có đủ bộ dụng cụ xét nghiệm cùng thiết bị bảo hộ, không thể nhận thêm bệnh nhân nhiễm nCoV.
Dưới áp lực của 11 bệnh viện tư nhân, chính phủ Philippines đã dành ba bệnh viện công để phục vụ như các trung tâm đặc biệt điều trị Covid-19, song chính họ cũng đang bị căng thẳng.
"Chúng tôi có nhiều lý do để hoảng sợ", các bệnh viện tư nhân viết trong lá thư kêu gọi hỗ trợ.
Richard Enecilla, trưởng khoa cấp cứu của Trung tâm y tế St. Luke, cho biết đã tiếp nhận khoảng 120 bệnh nhân có nguy cơ nhiễm nCoV trong một ngày và buộc phải để họ xếp hàng ở khu đỗ xe để hạn chế tiếp xúc.
"Cách dịch bệnh bùng phát khiến chúng tôi mất cảnh giác. Số ca nhiễm bệnh tăng lên cũng là khi sức lực của chúng tôi giảm xuống", Enecilla nói.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)