Các nhà nghiên cứu cho hay đã xác định thêm hai dạng mới của Rhinconichthys, loài cá ăn sinh vật phù du sống trong kỷ Phấn Trắng, thời kỳ khủng long còn thống trị mặt đất. Đây là loài cá có chiều dài hơn 1,8 m, phần đầu to lớn và khoảng cách giữa hai hàm hở rộng. Chung số phận với các sinh vật cùng thời, Rhinconichthys đã tuyệt chủng sau thảm họa thiên thạch đâm vào Yucatan Peninsula, Mexico 66 triệu năm trước.
Trước khi nghiên cứu được công bố, các nhà khoa học mới biết một loài Rhinconichthys. Phát hiện mới nâng tổng số loài lên 3 và chứng minh rằng sinh vật biển cổ đại này phân bố hầu như khắp thế giới, nhóm nghiên cứu kết luận.
"Dựa trên nghiên cứu mới, chúng ta hiện biết được 3 loài Rhinconichthys khác nhau, sống ở 3 khu vực riêng biệt trên Trái Đất, mỗi loài được đại diện bởi một hộp sọ hóa thạch", đồng tác giả nghiên cứu Kenshu Shimada, nhà cổ sinh vật học tại đại học DePaul, Chicago, Mỹ cho biết. "Điều này cho thấy sự ít ỏi trong thông tin mà con người thu thập được về sự đa dạng sinh vật xuyên suốt lịch sử Trái Đất".
Shimada lần đầu nhìn thấy hóa thạch Rhinconichthys cách đây 30 năm trong văn phòng của người thầy Teruya Uyeno, từng giữ cương vị quản lý Bảo tàng quốc gia khoa học và tự nhiên Nhật Bản.
Sau đó, vào năm 2010, ông và các đồng nghiệp khai quật được hóa thạch một con Rhinconichthys tại Anh, đặt tên là R.taylori. "Lúc đó chúng tôi không hề nghĩ rằng sinh vật này lại đa dạng và phân bố khắp Trái Đất như vậy", Shimada nói.
Năm 2012, nhóm nghiên cứu lại phát hiện mẫu hóa thạch khác tại đông nam Colorado, Mỹ. Hóa thạch có tên R.purgatoirensis, đặt theo thung lũng sông Purgatoire nơi nó được tìm thấy. Đội khai quật khi đó phải mất hơn 150 giờ mới di chuyển được mẫu vật nguyên vẹn ra khỏi đất đá xung quanh.
Trong nghiên cứu công bố trên tập san Cretaceous Research ngày 28/1, các nhà khoa học mô tả mẫu vật ở Colorado và phân tích lại hóa thạch được phát hiện trước đây tại Hokkaido, Nhật Bản có tên R.uyenoi (theo tên Teruya Uyeno). Từ đây, họ có thêm cơ sở để hiểu sâu hơn cuộc sống dưới lòng đại dương cổ.
Theo Livescience, Rhinconichthys là một phần của họ cá Pachycormids, trong đó bao gồm những loài cá thuộc lớp cá xương lớn nhất được biết đến trên hành tinh. Họ Pachycormids đã tuyệt chủng và không còn hậu duệ nào ngày nay, song vào thời hoàng kim, chúng tồn tại với kích thước lớn. Chẳng hạn, tất cả các loài Rhinconichthys biết đến cho tới nay đều có thân dẹp, dài gần hai mét, trong đó phần đầu to lớn chiếm tới 0,5 m.
Rhinconichthys còn sở hữu phần miệng khủng với khoảng trống lớn ở hai hàm, trông giống như nhân vật rối Muppet, nhà nghiên cứu Shimada mô tả. Cặp xương có tên hyomadibulae tạo thành bẩy hình chèo, làm cho hàm mở to, giúp chúng hút đầy miệng các sinh vật phù du trong nước biển.
"Những con pachycormids thực sự đã "vơ vét" hết phù du dưới đại dương với lượng tiêu thụ ở tầm công nghiệp", Shimada nói. "Con cá có cái miệng há rộng giống một chiếc ống đường kính 0,3 m, hút vào một lượng lớn nước biển rồi lọc lấy sinh vật phù du nhờ bộ mang lớn".
Thực đơn phù du, hay còn gọi là "planktivorous" ngày nay vẫn còn được nhiều loài động vật biển có xương sống sử dụng, như cá voi xanh, cá đuối hay cá mập voi. Nhờ những phát hiện về Rhinconichthys, các nhà nghiên cứu biết rằng cách thức kiếm ăn này đã tồn tại trong suốt thời kỳ Đại Trung Sinh, khi mà khủng long vẫn còn tồn tại.
"Những kiến thức con người biết được chỉ giống như vài vết xước nhỏ trên bề mặt rộng lớn của hệ sinh thái phức tạp dưới lòng đại dương trong kỷ nguyên của khủng long khi đó", Shimada nhận xét.
Thu Hiền