Gần đây, Sở Văn hoá Hà Nội muốn đòi tên cho toà nhà. Sở lập luận, hình ảnh quen thuộc về tên gọi của công trình cũng như chiếc đồng hồ đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của thủ đô. Nhiều người dân đồng tình.
Trải qua nhiều biến động lịch sử, dù chiến tranh hay hoà bình, mưa hay nắng, bao thế hệ người Hà Nội đã ra bưu điện bờ Hồ để gọi điện và nhận, gửi thư báo. Đây còn được xem như cột mốc để tính cây số từ Hà Nội toả đi các tỉnh, thành. Toà nhà và tấm biển tên đó cũng đã đi vào nhiều tác phẩm nghệ thuật về thủ đô. Với bề dày gắn bó như vậy, việc người Hà Nội không muốn một hình ảnh quen thuộc, dù chỉ là chiếc biển tên bị thay đổi là điều dễ hiểu.
Khi lần giở các tài liệu về bưu điện bờ Hồ, tôi nhận ra rằng, việc hình thành nên tên gọi ban đầu của địa danh này cũng như việc thay đổi biển tên sau đó, đều xuất phát từ những cuộc cách mạng trong lĩnh vực thông tin.
Lần thứ nhất, cuộc chuyển đổi từ cách truyền thông tin thô sơ với sức ngựa, chim bồ câu sang loại hình bưu điện đã định danh toà nhà nằm trên phố Đinh Tiên Hoàng.
Từ cuối thế kỷ 19 đến trước tháng 8/1945, hệ thống thông tin liên lạc ở Việt Nam do người Pháp quản lý. Hai chữ "bưu điện" cũng xuất hiện từ thời kỳ này, với những người phu chạy bộ đưa thư (bưu chính) và hệ thống nhà dây thép (điện tín) ra đời. Toà nhà đầu tiên của Sở Bưu điện xây dựng trong các năm 1894 - 1899 theo phong cách kiến trúc tân cổ điển, mặt chính trông ra phố Đinh Tiên Hoàng.
Theo hồi ký của Paul Doumer - Toàn quyền Đông Dương, dịch vụ bưu chính và điện tín đã được thúc đẩy trên toàn xứ trong giai đoạn này. Những năm cuối thập niên 1890, số lượng bưu cục tại Đông Dương từ con số 149 tăng lên thành 224. Hệ thống đường dây điện tín Đông Dương trong 5 năm từ 1897 đã tăng từ 13.000 lên 18.000 cây số.
Sau ngày thống nhất đất nước, toà nhà 5 tầng số 75 phố Đinh Tiên Hoàng được xây dựng, đưa vào sử dụng gắn liền với chiếc đồng hồ 4 mặt trên nóc. Và đến năm 1997, biển chữ "Bưu điện Hà Nội" được lắp đặt phía dưới chân cột đồng hồ, hướng ra hồ Hoàn Kiếm.
Lần định danh thứ hai, sự vươn vai lớn lên, thoát ra khỏi chiếc áo chật chội "ngành bưu điện" của các nhà mạng viễn thông đã dẫn đến cuộc đổi tên tòa nhà.
Trong số các cấu phần của ngành thông tin truyền thông, những năm đầu 2000 chứng kiến ngành viễn thông tăng tốc nhanh hơn. Xu hướng phát triển này đặt ra yêu cầu tách bưu chính và viễn thông. Đến cuối năm 2007, Bưu điện thành phố Hà Nội (cũ) đã chia thành hai đơn vị là Bưu điện Hà Nội (mới) và Viễn thông Hà Nội (VNPT Hà Nội).
Cách đây hơn 3 năm, biển chữ "Bưu điện Hà Nội" trên nóc tòa nhà B bị hỏng, nên đơn vị viễn thông quyết định gắn chữ mới "VNPT Hà Nội", đúng tên của đơn vị đang sử dụng tòa nhà. Như vậy, sự thay đổi biển tên này có nguyên nhân sâu xa từ cuộc chia tay giữa bưu chính và viễn thông.
Lần thứ ba này, hai chữ "bưu điện" được cân nhắc trở lại, liệu có phải là phép hoán dụ cho một cuộc cách mạng mới, hay chỉ đơn thuần là việc níu giữ ký ức?
Như bao người, tôi cũng mang những ký ức nên thơ về ngành bưu chính. Vốn quen với việc sử dụng email, tôi không nghĩ trong cuộc đời mình có dịp sẽ dùng đến thư viết tay. Lần đó ở Trường Sa tuy có sóng điện thoại nhưng chập chờn, tình cờ nhìn thấy điểm bưu điện trên đảo nhỏ nên ngồi lại viết lá thư gửi về nhà. Chuyến công tác của tôi kéo dài gần nửa tháng, khi về đến nhà cũng vừa dịp lá thư được chuyển phát đến cho vợ tôi. So với sóng điện thoại thì lá thư rất chậm, nhưng lại trở thành một kỷ vật quý giá với con dấu đóng trên bì thư từ nơi đảo xa của Tổ quốc.
Sẽ không có gì sai nếu người ta giữ những ký ức đẹp về hai chữ "bưu điện". Nhưng sẽ rất sai nếu chỉ giữ ký ức, mà bỏ qua cơ hội tương lai của ngành bưu chính.
Hình ảnh bưu tá chuyển phát vé AFF Cup đến tay khách hàng mới đây cho thấy hình ảnh gần gũi hơn của bưu điện. Cuộc cạnh tranh trên thị trường giao nhận sẽ rất khốc liệt với sự tham gia của hàng trăm công ty, trong đó có những thương hiệu quốc tế. "Bưu chính" trong thế kỷ 21 không chỉ hiểu đơn giản là giao thư, báo mà bao gồm hạ tầng chuyển phát, logistics cho thương mại điện tử, giao nhận hàng hoá và cung cấp dịch vụ công tại nhà...
"Chúng ta đang nói rất nhiều đến kết nối mạng, kết nối viễn thông, kết nối trong thế giới ảo. Nhưng phải có một dòng chảy vật lý tương tự trong thế giới thực, một kết nối vật lý trong thế giới thực, đó chính là mạng lưới bưu chính. Bưu chính phải đảm bảo dòng chảy hàng hoá trong thế giới thực, đây chính là không gian vô hạn của bưu chính" - Bộ trưởng Thông tin truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phân tích.
Thị trường giao nhận hàng hóa đang chứng kiến một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa những cái tên ngoại. Các startup kỳ lân của châu Á trong lĩnh vực này đang "đốt tiền" để chinh phục thị trường Việt Nam. "Không gian vô hạn của bưu chính" là một thị trường trị giá nhiều tỷ USD.
Hai từ "bưu điện" có thể vươn ra mặt Hồ Gươm một lần nữa, bằng một quyết định hành chính, bằng các lập luận về "biểu tượng" hay là "quen thuộc", bằng ký ức. Nhưng nó cũng có thể là dấu mốc cho cuộc cách mạng của một doanh nghiệp nhà nước thân quen.
Võ Văn Thành