"Tổng thống Mỹ G. Bush đã có một bước đi quyết định nhằm chôn vùi bóng ma của cuộc chiến trong quá khứ khi tuyên bố sẽ thực hiện chuyến thăm chính thức tới Việt Nam vào năm sau. Đứng bên cạnh Thủ tướng Phan Văn Khải của VN trong cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo, Bush nói ông đang trông đợi chuyến đi này.
Đó là sẽ cuộc thăm chính thức Việt Nam lần thứ hai của một tổng thống Mỹ. Cựu tổng thống Bill Clinton đã tới Việt Nam năm 2000. Chuyến đi của Bush sẽ trùng với thời điểm Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái bình dương (APEC) diễn ra ở Hà Nội.
Mỹ và Việt Nam đã bình thường hoá quan hệ được 10 năm, thương mại giữa hai nước tăng trưởng theo cấp số nhân. Mỹ là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Nhưng có những người Việt bỏ tổ quốc ra đi năm 1975 vẫn phản đối tiến trình bình thường hoá, và một vài nhóm cựu chiến binh còn đòi hỏi phía Việt Nam cần làm nhiều hơn nữa đối với số phận các quân nhân Mỹ mất tích.
Đáp lại những hành động phản đối chuyến thăm, ông Bush đã công bố thoả thuận mà theo đó Việt Nam mở rộng tự do tôn giáo và cho thấy những nỗ lực của nước này trong việc tìm hài cốt các quân nhân Mỹ chết trong chiến tranh.
Trong thời chiến tranh ở Việt Nam, Bush thuộc biên chế của đơn vị phòng không Texas và không phục vụ ở nước ngoài. Cả ông và người tiền nhiệm Clinton đều bị một số người chỉ trích vì đã tránh cuộc chiến đẫm máu khiến hơn 50.000 người Mỹ và hàng triệu người Việt bỏ mạng. Hàng nghìn thanh niên Mỹ thời đó đã trốn quân dịch bằng cách kiếm cớ hoãn, chống lệnh nhập ngũ hoặc trốn sang Canada và các nước khác.
Nếu Tổng thống Bush thực sự muốn xoá đi những bóng ma của cuộc chiến - vốn là nguyên nhân gây chia rẽ người Mỹ ở trong nước, ông nên đưa theo đoàn tới Hà Nội của mình những người sau đây: thượng nghị sĩ John McCain - cựu tù binh chiến tranh; thượng nghị sĩ John Kerry - cựu binh chiến tranh từng được tặng huy chương và sau trở thành người phản chiến; cựu tổng thống Clinton - người từng cân nhắc việc tham gia quân đội nhưng chưa bao giờ được gọi đi chiến trường.
Sau 3 thập kỷ, đã đến lúc tất cả người Mỹ thể hiện lòng hoà giải với các cựu thù của mình, kể cả trong cũng như ngoài nước".
(Theo Houston Chronicle)