Cụ bà 92 tuổi bị tiểu đường nhiều năm, sáng sớm con cháu phát hiện bà hôn mê nên gọi 115. Chuông reo báo động chưa dứt, 3 y bác sĩ Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM có mặt trong phòng điều hành, chia nhau xách vali thuốc cấp cứu, túi máy sốc điện, điện tim, máy hút đàm... Tất cả lao nhanh ra xe cứu thương đang nổ máy chờ, sẵn sàng còi hú.
Ngôi nhà của cụ bà nằm trong con hẻm nhỏ buôn bán khá tấp nập ở đường Tạ Uyên. Kíp cấp cứu rời xe, xách theo vật dụng cần thiết, chạy bộ vào nơi bà đang nằm mê man. Xác định nhanh nguyên nhân hôn mê do hạ đường huyết, ê kíp yêu cầu người nhà lùi bớt ra, khẩn trương tiêm truyền đường. Sau vài phút sơ cứu, cụ bà hồi tỉnh. Để tránh nguy cơ hôn mê trở lại, bà được khiêng ra băng ca chuyển lên xe cấp cứu đưa vào bệnh viện điều trị giúp ổn định đường huyết.
Cười hiền lành sau khi bàn giao cụ bà vào bệnh viện, y sĩ Võ Văn Sậm cho biết những niềm vui khi chứng kiến bệnh nhân từ hôn mê đến hồi tỉnh như vậy đã níu chân anh với nghề. Mồ hôi vẫn còn đầm đìa trong cái nắng oi ả tháng 4 Sài Gòn, người y sĩ gần 10 năm gắn bó cấp cứu ngoại viện tất bật trở về trung tâm, sẵn sàng với những ca cấp cứu khác đang đón đợi trong ngày trực kéo dài liên tục 24 giờ.
Cũng như y sĩ Sậm, điều dưỡng Thơ quen dần với những tình huống xuống hiện trường trong mưa gió, ngập lụt, leo nhiều tầng cầu thang bộ, gặp người tai nạn say xỉn, từ tờ mờ sáng cho đến đêm hôm vắng lặng không có điện đường, chó sủa bốn bề... Cô gái trẻ đã có gần ba năm làm công việc hỗ trợ sơ cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân rồi chuyển vào viện điều trị. Thơ là con một, bố mẹ khá lo lắng khi con gái suốt ngày vất vả nắng mưa ngoài đường thay vì làm ổn định trong bệnh viện.
"Em cũng từng nghĩ khi ra trường sẽ trở thành điều dưỡng trong bệnh viện. Một lần tự tay sơ cấp cứu giúp người thân khỏi nguy kịch, em nhận ra mình có tình yêu với công việc này và chọn gắn bó", Thơ chia sẻ. Lựa chọn đó đồng nghĩa với việc cô phải liên tục những chuyến đi gấp rút, nhồi xóc trên xe cấp cứu cùng tiếng còi cứu thương inh ỏi. Suốt 24 giờ trong tua trực, Thơ cùng ê kíp nhiều lúc phải bỏ cơm giữa chừng.
Hành trang nghề nghiệp của Thơ là những lần lội nước ngập giúp mẹ con sản phụ vượt cạn an toàn, cứu người đàn ông bị tai nạn giao thông trong đêm mưa mù trời bên cầu Tham Lương... Làm việc trong môi trường khá áp lực, thu nhập thấp, nhiều đồng nghiệp liên tục nghỉ việc, có những lúc Thơ hoang mang. Tuy nhiên nữ điều dưỡng 24 tuổi đã vượt qua bằng niềm hạnh phúc khi nhìn nhiều bệnh nhân thoát khỏi tử thần nhờ sự góp công của mình.
Nhìn lại chặng đường 10 năm gắn bó với cấp cứu ngoại viện, một bác sĩ ngoài 40 tuổi tóm gọn bằng hai chữ "gian truân nhưng ý nghĩa". Ra trường làm việc cho một phòng khám quốc tế với mức lương ngất ngưởng, khi chứng kiến một bé gái ra đi trong tay mình và đồng nghiệp mà không thể làm gì được, anh từ bỏ tất cả để về trung tâm 115 bắt đầu 3 năm làm việc không công.
"Lúc đó nếu mình biết sâu về cấp cứu, có thể cũng không cứu được bé nhưng ít nhất mình không phải áy náy vì đã nỗ lực hết sức. Nếu không học chuyên nghiệp về sơ cấp cứu ban đầu thì nhiều tình huống bác sĩ đa khoa không thể cứu được bệnh nhân", bác sĩ chia sẻ. Để kiên định với bước rẽ lớn của mình, anh phải gác lại nhiều danh vọng.
Bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu TP HCM cho biết năm 2017, 23 nhân viên trung tâm nghỉ việc, trong đó có 6 bác sĩ. Nguyên nhân nghỉ việc là thu nhập thấp, không có điều kiện phát triển nghề nghiệp, môi trường làm việc nguy hiểm... Bác sĩ trẻ vào làm việc tại cấp cứu 115 không được cấp giấy chứng chỉ hành nghề để có thể làm phòng mạch ngoài giờ.
Theo các bác sĩ, Trung tâm 115 cần nhiều thay đổi để hơn 140 nhân viên, y bác sĩ đang làm việc tại đây toàn tâm toàn ý tiếp tục tình yêu với nghề mà mình đã chọn. Hiện nơi này đẩy nhanh tiến độ xây dựng trung tâm cấp cứu với hệ thống điều hành thông minh ứng dụng tối đa công nghệ thông tin, đào tạo lực lượng "chuyên viên cấp cứu ngoại viện" Paramedic để tăng hiệu quả cấp cứu, tránh lãng phí nguồn lực bác sĩ...