Bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu TP HCM, cho biết việc nhân viên thôi việc hàng loạt khiến trung tâm bị giảm tới gần 30% số bác sĩ, 10% số điều dưỡng. Lực lượng y sĩ, kỹ thuật viên, lái xe và bảo vệ cũng giảm đáng kể.
Ông Long phân tích, nguyên nhân nhiều y bác sĩ nghỉ việc là thu nhập thấp, không có điều kiện phát triển nghề nghiệp và môi trường làm việc nguy hiểm. Cụ thể, hoạt động cấp cứu tại trung tâm cũng như các trạm vệ tinh đều lỗ. Khoảng 30% trường hợp khi xe cấp cứu đến hiện trường thì bệnh nhân đã được chuyển đi, gần 3.000 ca cấp cứu không được trả tiền, bảo hiểm y tế không hỗ trợ thanh toán cấp cứu ngoại viện...
Thu nhập của nhân viên trung tâm hiện thấp nhất 1,6 triệu đồng một tháng, bác sĩ chỉ khoảng 4-6 triệu đồng. Lương giám đốc trung tâm khoảng 8 triệu đồng. Ngoài thu nhập cơ bản thì hầu như họ không còn nguồn kinh tế nào khác. Bác sĩ cấp cứu 115 lại không được cấp giấy chứng chỉ hành nghề để có thể làm phòng mạch ngoài giờ.
Môi trường làm việc của y bác sĩ cấp cứu cũng khá nguy hiểm, trải rộng trên nhiều địa bàn, nhiều ca bệnh liên quan đến tai nạn, đánh nhau, say xỉn do bia rượu... Bác sĩ cấp cứu ngoại viện tập trung xử trí ban đầu cho nạn nhân, không có cơ hội làm việc hay điều trị bệnh nhân trong môi trường bệnh viện để nâng cao tay nghề.
Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM hoạt động độc lập từ năm 2014, chuyên trách cấp cứu ngoại viện, tức tiếp cận hiện trường, sơ cứu nạn nhân và vận chuyển đến các bệnh viện phù hợp gần nhất. Hiện cơ sở vật chất, phương tiện vẫn chưa hoàn thiện. Nguồn nhân lực tại trung tâm không đáp ứng nhu cầu cấp cứu của người dân. Số cuộc gọi đến dịch vụ 115 tăng nhanh từ khoảng 8.800 lên 21.000 trong ba năm qua. Hiện trung tâm có 16 bác sĩ, 60 điều dưỡng, với 11 xe cấp cứu phục vụ cho nhu cầu toàn thành phố.
Phó giáo sư Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết để giải quyết vấn đề nguồn nhân lực, cần sớm triển khai lực lượng "chuyên viên cấp cứu ngoại viện" Paramedic. Lực lượng này không phải là bác sĩ, y sĩ hay điều dưỡng. Các bác sĩ, điều dưỡng được đào tạo theo hình thức nội viện, trong khi môi trường ngoài bệnh viện đòi hỏi quy trình xử trí, trang thiết bị phải khác. Các Paramedic không chỉ giúp tăng hiệu quả cấp cứu, đúng chuyên môn mà còn góp phần tránh lãng phí nguồn lực bác sĩ. Hiện Việt Nam chưa có mã đào tạo bác sĩ cấp cứu, đang đợi Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp.
Hiện nay việc nhận cấp cứu, bố trí xe cứu thương đều được thực hiện thủ công với nhiều khâu không cần thiết, khiến xe cấp cứu đến hiện trường chậm trễ. Mục tiêu hàng đầu của TP HCM là xây dựng trung tâm cấp cứu với hệ thống điều hành thông minh, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin.