Số liệu của một công ty bất động sản cho biết, Hà Nội đang phấn đấu có thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 150 triệu đồng mỗi người một năm. So với năm 2019, mức tăng trưởng trung bình thu nhập là 6% một năm.
Trong khi đó, mức tăng trưởng giá căn hộ từ năm 2019 đến nửa đầu năm 2023 là 13% một năm. Như vậy, tăng trưởng giá nhà cao hơn hai lần thu nhập trung bình của người dân Hà Nội.
Bài viết nhận được nhiều quan tâm của độc giả VnExpress. Bạn đọc có nickname phuongthuy1973 bình luận:
"Từ lâu tôi đã tự hỏi, giá nhà cao hay lương mình thấp? Giá nhà không tự nhiên tăng được, mà nó chỉ tăng khi giá đó có thanh khoản, có người chấp nhận giao dịch, vậy nghĩa là những người mua đó có tiền nhiều hơn hoặc thu nhập tốt hơn mình. Từ đó, tôi xác định phải cố gắng tự nâng thu nhập mình lên, đến nay đã có được ngôi nhà để trú ngụ".
Trong khi đó, độc giả truongtlg chia sẻ quan điểm rằng giá bất động sản (BĐS) cao nhưng giá trị sử dụng lại không cao và nêu ví dụ: "Một người bỏ tiền mua căn nhà liền kề 100 m2 giá 10 tỷ đồng nhưng cho thuê chỉ được 15 triệu, nếu để 5 năm nữa thì cũng khó tăng thành 15 tỷ vì ít ai mua căn nhà ống 100 m2 với giá này. Nghĩa là đầu tư BĐS giai đoạn này có khi còn thua gửi tiết kiệm ngân hàng".
Đồng tình với ý kiến trên, độc giả hongnhungpaticusi chia sẻ "mức sinh lời vô lý" của những căn nhà 100 m2 giá hơn chục tỷ ở trung tâm:
"Nhà trung tâm neo giá rất cao nhưng bán rất khó, cho thuê giá cao không dễ vì buôn bán hiện đang ế ẩm.
Cụ thể dãy phố nhà tôi có bà bán phở gia truyền, nhưng buôn bán ế quá phải bán nhà. Nhưng cũng phải rao 10 năm mới bán được với giá 9 tỷ đồng.
Chủ mới sau thời gian dài làm ăn cũng ế nên rao bán lại giá 15 tỷ đến giờ cũng không bán được. Nói chung phân khúc trung tâm mua là để làm ăn chứ không phải ở, tình hình này còn ế dài vì chỉ có nhà giàu mới mua ở đây".
Bạn đọc nickname anna.vivian0303 đưa ra quan điểm ngược lại, cho rằng việc mua căn nhà 10 tỷ là để đầu tư chứ không phải mục đích chính là cho thuê:
"Bạn đang nói ngược, người ta mua căn nhà 10 tỷ là để đầu tư chứ không phải mục đích chính là cho thuê. Chỉ với số liệu thống kê giá căn hộ trung bình tăng 13% như bài báo thì sau 5 năm giá nhà đất đã hơn nhiều con số bạn tính. Khi hạ tầng giao thông ngày càng được đầu tư, nâng cấp thì nhiều nơi sau 5 năm tăng giá gấp đôi là bình thường".
Bạn đọc nguyen.dao cho rằng cần phân biệt đầu tư và đầu cơ: "Đầu tư thì phải làm thay đổi giá trị sử dụng của bất động sản đó chứ không phải chỉ có mua rồi chờ bán sang tay hoặc sửa sang chút đỉnh rồi tăng giá trên trời.
Bây giờ, đa số các công ty thì đầu tư xây dựng nhưng tăng giá cao để giữ lợi nhuận. Với cá nhân, thì hầu hết đầu cơ chờ tăng giá chứ chả giúp được gì cho xã hội".
Tuy nhiên, dù giá nhà tăng gì nguyên nhân nào đi nữa, độc giả chjplegend nhấn mạnh rằng thu nhập trung bình của người dân Hà Nội không bao giờ theo kịp giá nhà:
"Không bao giờ có chuyện thu nhập trung bình của người dân Hà Nội sẽ theo kịp giá nhà cả. Bởi vì nếu như điều đó xảy ra thì hầu như người dân nào cũng có thể mua nhà được ở Hà Nội, nó sẽ gây ra sự thiếu cung, thừa cầu khiến cho giá nhà sẽ tăng vọt lên để loại bỏ bớt lượng cầu. Vì thế mà mức thu nhập có tăng lên thì giá nhà sẽ tăng theo mà thôi".
Hữu Nghị tổng hợp
>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi ý kiến tại đây.