Thứ bảy, 28/12/2024
Thứ hai, 20/11/2023, 06:24 (GMT+7)

Buổi dạy tiếng Anh của cô giáo không tay

Thanh HóaCô giáo không tay Lê Thị Thắm mỗi ngày được mẹ đưa tới trường Tiểu học và THCS Đông Thịnh, dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 2 và lớp 3.

Một ngày giữa tháng 11, cô giáo Lê Thị Thắm, 25 tuổi, bắt đầu tiết dạy tiếng Anh ở lớp 2B, trường Tiểu học và THCS xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn. Mở đầu bài học, cô cho học sinh học từ mới, chủ đề về những vật nuôi quen thuộc. Ngoài lớp này, cô còn được phân công dạy khối 3.

Sinh ra chỉ nặng vỏn vẹn một kg lại không có hai cánh tay, cô Thắm nỗ lực học tập và tốt nghiệp khoa Sư phạm tiếng Anh, trường Đại học Hồng Đức năm 2020. Sau đó, cô mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh ở quê nhà. Hồi tháng 6, khi được vinh danh là một trong 133 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến của tỉnh Thanh Hóa, cô Thắm bày tỏ mong muốn được đứng trên bục giảng, hứa sẽ luôn hoàn thiện bản thân, trau dồi kiến thức, tận tâm tận lực cống hiến nếu được trao cơ hội.

Câu chuyện khiến Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng xúc động. Ông chỉ đạo các cơ quan tuyển dụng đặc cách cô Thắm làm giáo viên công lập.

Trường Tiểu học và THCS xã Đông Thịnh đặt thiết kế riêng cho cô một bộ bàn ghế để thuận tiện mỗi khi giảng bài. Các thiết bị khác cũng được bố trí sao cho cô không phải di chuyển nhiều.

Cô Thắm sử dụng thuần thục laptop cá nhân và bộ máy tính để bàn bằng chân để chiếu bài giảng, bài tập cho học sinh.

Đây là kỹ năng Thắm đã luyện tập từ năm 4 tuổi. Thắm kể hồi học mẫu giáo, thấy các bạn được cô giáo cho tập viết nhưng trừ mình nên cũng đòi cho tập. Được đưa cho tờ giấy và cây bút chì, Thắm dùng ngón chân trái kẹp bút, tập viết theo các bạn. Những ngón chân nhiều hôm trầy xước, phồng rộp rất đau, đêm về không thể ngủ được nhưng nhờ kiên trì, lên 5 tuổi, cô đã viết thành thạo và 6 tuổi vào lớp một như các bạn đồng trang lứa.

Do chân phải ngắn hơn nên hầu hết mọi hoạt động cô Thắm chỉ sử dụng chân trái từ cầm bút, di chuột hay ấn bàn phím máy tính...

Thắm chia sẻ, hai ước mơ lớn nhất cuộc đời là về quê mở lớp dạy tiếng Anh cho trẻ em nghèo và được đứng trên bục giảng ở một ngôi trường, đến nay đều thành hiện thực.

Năm nay là lần đầu tiên được đón Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 đúng nghĩa, Thắm nói "rất xúc động và tự hào, bản thân cảm thấy cần có trách nhiệm hơn với học trò, nhà trường và xã hội bởi trọng trách mới...".

Nữ giáo viên hiện không gặp nhiều trở ngại trong giảng dạy, song cô cho hay sẽ tiếp tục trau dồi kiến thức lẫn nghiệp vụ sư phạm để đóng góp nhiều nhất có thể cho ngành giáo dục.

Giờ học ngoại ngữ của lớp 2B với gần 50 học sinh. Các bé học rất nghiêm túc, hăng say phát biểu xây dựng bài khi được cô Thắm đề nghị.

Thi thoảng, khi phát hiện học trò thiếu tập trung hoặc chưa hiểu bài, cô Thắm đi xuống tận nơi chỉ bảo. Cuối tiết dạy, nữ giáo viên thường chấm bài tập và hướng dẫn học trò bổ sung kiến thức khi về nhà.

"Em rất thích giờ học của cô Thắm vì được xem nhiều tranh ảnh và những bộ phim ngắn vui nhộn...", Hoàng Lập, lớp 2B, nói.

Do khiếm khuyết đôi tay nên hầu hết sinh hoạt cá nhân, Thắm đều dựa vào sự chăm sóc của người mẹ là chị Nguyễn Thị Tình.

Mỗi ngày, sau khi thức giấc, Thắm được mẹ lo ăn uống, vệ sinh cá nhân và dùng xe máy chở đến ngôi trường cách nhà gần 1 km dạy học. Cuối buổi, chị Tình lại đến trường đón con trở về.

Hết giờ làm việc trên trường, buổi chiều và tối hàng ngày, Thắm ở nhà soạn giáo án, chấm bài cho học trò.

Những ngày cuối tuần hoặc khi rảnh rỗi, cô Thắm mở thêm lớp dạy tiếng Anh tại nhà cho trẻ em nghèo hoặc con em người thân.

Cô Lê Thị Huệ, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Đông Thịnh, đánh giá cô Thắm hoà nhập tốt với môi trường mới. Được nhà trường hỗ trợ các điều kiện tốt nhất có thể nên cô Thắm phát huy được tố chất và nghị lực bản thân.

"Sắp tới, trường sẽ thành lập câu lạc bộ Vượt khó và giao cho cô Thắm làm chủ nhiệm, nhằm tiếp thêm nghị lực giúp các em học sinh mồ côi, học sinh nghèo hoặc khuyết tật nỗ lực vươn lên trong cuộc sống", cô Huệ cho hay.

Cô giáo không tay Lê Thị Thắm
 
 

Lê Hoàng