![]() |
|
Hệ thống này không đòi hỏi phải dựng những cảnh phim đặc biệt mà sử dụng kỹ năng phân tích cảnh của máy tính để cung cấp thông tin cần thiết cho việc tạo hình ảnh 3D. Đây có thể coi là một bước tiến dài trong công nghệ sản xuất màn hình bởi nó có thể áp dụng vào bất cứ cảnh phim bình thường nào.
Hệ thống mới có thể xử lý các cảnh phim thông thường thuộc đủ thể loại phim cũ và mới. Đầu tiên, bộ phim được số hoá, sau đó cảnh đầu và cảnh cuối được trích ra. Một phần mềm đặc biệt sẽ phân tích mối tương quan về chiều sâu giữa các vật thể trong khung rồi tạo ra nhiều họa đồ về độ sâu cho tất cả những khung trung gian. Hình ảnh 2 chiều và dữ liệu độ sâu 3 chiều sau đó sẽ được phát ra cùng một lúc.
Tuy nhiên, vấn đề vị trí của người sử dụng khi xem vẫn là một thách thức lớn. Việc dịch chuyển khỏi vị trí thích hợp so với màn hình có thể gây biến dạng hình ảnh. Vì lý do này, các nhà thiết kế ban đầu mới chỉ tập trung vào phát triển hình ảnh 3D cho game máy tính. Công nghệ mới cũng đã được áp dụng thử vào điện thoại di động và máy tính xách tay. Hãng Digital Dynamic Depth cũng đã thiết kế một phần mềm mang tên Visualizer, có khả năng chuyển đổi hoạt ảnh do máy tính xử lý hoặc trò chơi thành hình ảnh 3 chiều thời gian thực (real time).
Thông thường, để hiển thị hình ảnh 3 chiều, quá trình quay phim phải thực hiện bằng 2 camera độc lập. Một số công ty đã thành công trong việc sử dụng màn hình tinh thể lỏng để tạo ảnh 3 chiều mà không cần kính đặc biệt, thay vào đó sử dụng nguyên lý đưa những hình ảnh độc lập tới từng bên mắt và cơ cấu này chỉ hoạt động nếu người xem có được vị trí hợp lý nhất trước màn hình.
Phan Khương (theo Ananova)