![]() |
|
Nhóm kỹ sư, trong quá trình tìm kiếm cái gọi là đĩa sóng (bay vòng quanh cực ánh sáng), đã nhận thấy một số loại giấy bóng kính gói quà có những đặc tính giống với cái mà họ đang tìm.
Giáo sư Iizuka, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết hệ thống hiển thị 3 chiều của họ chỉ áp dụng riêng cho loại màn hình tinh thể lỏng phát ra ánh sáng phân cực - tức là ánh sáng dao động trong một hướng cố định. Theo phương pháp của họ, màn hình sẽ được chia đôi, mỗi bên hiển thị những hình ảnh hơi khác nhau, giống như hình ảnh từ một camera lập thể. Giấy bóng kính được dùng để che một nửa màn hình, tạo nên sự thay đổi phân cực ánh sáng, sau đó người xem dùng một cặp kính râm khác cực, nhờ đó mắt phải chỉ có thể nhìn thấy ánh sáng phát ra từ nửa trái của màn hình và ngược lại, mắt trái cũng chỉ nhìn thấy ánh sáng từ nửa phải màn hình. Trí não sẽ kết hợp những hình ảnh thu được từ hai kênh này để tạo ra cảm giác của một hình ảnh thống nhất trong không gian 3 chiều. Ấn tượng về chiều sâu của vật thể được tạo ra từ những hình ảnh hơi khác nhau đập vào từng bên mắt của chúng ta.
Giáo sư Iizuka cho rằng giấy bóng kính là một sự lựa chọn rất tốt, một phần vì nó quay quanh cực của toàn bộ giải quang phổ mà ta nhìn thấy, không giống những đĩa sóng chỉ tập trung vào một bước sóng nhất định. Tuy nhiên, độ dày 25 micron và cấu trúc hóa học của vật liệu giấy bóng mới là yếu tố quyết định sự thành công khi sử dụng vật liệu có nguồn gốc dầu lửa này.
Quá trình nghiên cứu công nghệ hiển thị 3 chiều của các kỹ sư Đại học Toronto một phần nhằm giúp đỡ người điếc. Ngôn ngữ cử chỉ được truyền qua Internet sẽ hiệu quả hơn rất nhiều nếu người xem nhìn rõ hơn chiều sâu của những cử động tay.
Giáo sư Iizuka cho biết sử dụng vật liệu giấy bóng rẻ hơn 3.500 lần so với việc áp dụng các "đĩa sóng", với chi phí chỉ khoảng 3 USD một cuộn. Sắp tới, ông và các đồng sự sẽ chuyển sang phát triển kỹ thuật 3D cho màn hình điện thoại di động.
Màn hình 3D có thể sử dụng trong rất nhiều mục đích, chẳng hạn như trò chơi video, giới thiệu các loại mẫu có cấu trúc phân tử. Công nghệ hình ảnh 3 chiều thường đòi hỏi phải có một loại kính chuyên dụng khá tốn kém. Hiện nay, Công ty Sharp đang phát triển loại màn hình phẳng 3D không cần kính hỗ trợ.
Phan Khương (theo CNet)