Chị Linh - có con trai nay đã trở thành đầu bếp ở một nhà hàng trên phố cổ Hà Nội - giải thích cho tôi là sẽ không tìm thấy "cơ sở" đâu. Bốn năm trước, con chị cũng nằm trong số 3-4 bạn học kém trong lớp, nên gần cuối năm lớp 9, chị và những bố mẹ khác được mời đến họp nhiều buổi. Buổi đầu, cô thông báo tình hình học của các cháu, tỷ lệ cạnh tranh vào lớp 10 một số trường công và gợi ý các học sinh kém có thể nghĩ đến phương án học nghề.
Những cuộc trao đổi sau đó, cô gặp riêng, qua điện thoại hoặc trực tiếp, không đi thẳng vào vấn đề nhưng đủ rõ để chị hiểu rằng, mình nên làm một lá đơn, đại ý tự nguyện quyết định không cho con thi vào lớp 10. Nhà một mẹ một con, lại bị tiêm nhiễm vào đầu viễn cảnh cậu con trai thi rồi cũng trượt, chị Linh bàn với con đi học nghề. Con trai chị đồng ý. Nay cậu đã có việc, tự nuôi được bản thân, hỗ trợ một phần cho mẹ. Nhưng chị nhận thấy con vẫn mặc cảm với những bạn bè đỗ đạt cùng lớp, điều khiến chị rất áy náy. Chị Linh nói mình đã thay con từ bỏ một kỳ thi mà có lẽ con chị chỉ miễn cưỡng chấp nhận.
"Tự nguyện", nghĩa từ điển là "tự mình muốn làm, không bị thúc ép, bắt buộc". Tôi biết đến khái niệm "tự nguyện" vào một năm nào đó ở bậc tiểu học, qua câu chuyện bố mẹ trao đổi với nhau sau kỳ họp phụ huynh. Hồi ấy, "tiền xây dựng", thường là khoản lớn nhất, bắt buộc phải nộp đầu năm. Không hiểu sao có một thời gian trường không được thu nữa. Tuy nhiên, trong buổi họp phụ huynh hôm đó, một số thành viên trong Ban cha mẹ của lớp đứng ra thông báo về những khoản thu tự nguyện, để các gia đình tự cân nhắc.
Việc này những năm sau trở thành hiển nhiên, không mất nhiều thời gian để cân nhắc như lần đầu. Bố mẹ tôi cũng khó có thể làm gì khác ngoài việc "tự nguyện" đóng tiền theo các phụ huynh còn lại, bởi họ không muốn con mình trở nên khác biệt hay thiệt thòi so với bạn bè cùng lớp.
Trong quá trình đi học, chúng tôi cũng có những trải nghiệm tương tự. Mỗi khi "Phòng về", "Sở về" dự giờ, cô giáo sẽ bảo vài bạn tiếp thu chậm hoặc nước mũi thò lò ngày mai tự nguyện xin bố mẹ cho ở nhà.
Những năm học cấp hai, cấp ba, nhiều sự "tự nguyện" vẫn đi theo việc học của chúng tôi. Ngày đó bắt đầu có quy định cấm dạy thêm, học thêm. Nhưng chúng tôi đều đặn ký đơn tự nguyện đi học thêm, tự nguyện đề nghị nhà trường dạy thêm. Đã tự nguyện, làm sao cấm được.
Sau này bước ra đời, tôi ít gặp từ này trong môi trường làm việc và may mắn chứng kiến những sự tự nguyện đúng nghĩa và cao đẹp. Tự nguyện với tôi là những người dân nghèo nhường đất xây trường, những chiến sĩ ra biển đảo để phục vụ tổ quốc, những thầy cô giáo lên vùng cao dạy học. Hoặc đại úy Nguyễn Cảnh Cường, dù đang trong ngày nghỉ phép, đã xung phong nhận nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn người dân ở Thủy điện Rào Trăng để rồi mãi mãi nằm lại với đất đai quê hương khi mới 29 tuổi.
Những sự việc tương tự ở Quận Cầu Giấy có thể chỉ dừng lại ở dạng nghi vấn dù không khó để hiểu rằng, các nhà trường có thể gặp những áp lực nhất định về thành tích, khiến họ phải làm như vậy, hoặc ít nhất, gây ra sự hiểu nhầm như vậy cho phụ huynh. Tuy nhiên, vì tất cả đã được thực hiện trên cơ sở những mẫu đơn tự nguyện, nên như chị Linh nói, rất khó để tìm ra bằng chứng.
Nếu cũng như con chị Linh, quả thật, tôi không thể tưởng tượng mình sẽ trải qua cảm xúc thế nào nếu một ngày được chính thầy cô và bố mẹ yêu cầu từ bỏ quyền được mơ ước, dù nó đơn giản là một kỳ thi như bất cứ bạn bè nào khác.
Tôi hiểu rằng, các nhà trường và thầy cô có thể đang đối diện với những áp lực hoặc những quy định không còn phù hợp. Nhưng điều hợp lý, dễ hiểu là sai đâu, sửa đó; không thể lạm dụng "tác dụng thần kỳ" của lá đơn "tự nguyện" để buộc phụ huynh và học sinh nhận phần thiệt thòi về mình, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trường và giáo viên.
Bùi Phú Châu