Sina cho biết việc chính phủ Trung Quốc can thiệp vào thương vụ TikTok đã giúp thay đổi một số nội dung đàm phám giữa ByteDance và Nhà trắng, tạo ra bước ngoặt mới cho công ty này sau khi rơi vào bế tắc.
Trước đó, ngày 28/8, Trung Quốc đã bất ngờ bổ sung danh sách các mặt hàng công nghệ cấm xuất khẩu, trong có các thuật toán AI, công nghệ khuyến nghị dựa trên phân tích dữ liệu. Điều này đồng nghĩa với việc nếu các công ty Mỹ muốn mua lại TikTok kèm thuật toán, ByteDance phải mất nhiều thời gian hơn để xin giấy phép từ chính phủ Trung Quốc. Như vậy, việc mua bán không thể hoàn tất theo yêu cầu của chính quyền Trump. Tác động của Trung Quốc mang lại cho ByteDance nhiều lý do hợp lý để thúc đẩy các nhà đầu tư Mỹ và các bên liên quan tác động đến Lầu Năm Góc.
Trong trường hợp Trung Quốc cấm ByteDance bán công nghệ của TikTok, chính phủ Mỹ phải cân nhắc hai lựa chọn: cấm vĩnh viễn TikTok theo yêu cầu của Tổng thống Trump hoặc để ByteDance bán ứng dụng cho công ty Mỹ mà không bao gồm thuật toán. Nếu TikTok không có thuật toán, ứng dụng này khó duy trì được ở Mỹ. Như vậy, các công ty, nhà đầu tư Mỹ sẽ trực tiếp chịu thiệt. Lựa chọn tốt nhất là để ByteDance giữ lại một số quyền nhất định để các bên đều hưởng lợi từ hoạt động kinh doanh của TikTok tại khu vực này.
Để ép ByteDance bán TikTok tại Mỹ, Tổng thống Trump đã ban hành hai lệnh cấm liên tiếp: buộc công ty phải hoàn tất thương vụ trước 15/9, nếu không sẽ bị cấm vĩnh viễn. Hai lệnh cấm này viện những lý do không thống nhất. Lệnh cấm ngày 6/8 cho rằng chính phủ Trung Quốc có thể đánh cắp dữ liệu người dùng Mỹ thông qua TikTok. Nhưng lệnh cấm thứ hai vào ngày 14/8 lại lấy lý do của Uỷ ban đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) nói việc ByteDance mua lại Musical.ly trước đó đe doạ về an ninh quốc gia và hai bên đã không thông báo về việc hoàn tất giao dịch vào năm 2018.
Nguồn tin của Sina nói rằng chính phủ Mỹ gây sức ép lên TikTok khiến nội bộ công ty diễn ra một cuộc "thanh lọc những người cực đoan". Trong khi ByteDance muốn kéo dài thời gian mua bán càng lâu càng tốt, một số nhà đầu tư Mỹ và cựu CEO Kevin Mayer lại muốn đẩy nhanh thương vụ. Cuối cùng, khi Zhang Yiming, CEO ByteDance, thể hiện quan điểm cứng rắn, muốn giữ lại TikTok, Kevin Mayer đã nộp đơn từ chức sau ba tháng tại nhiệm.
Theo các nhà phân tích, gần đây Zhang Yiming cũng có quan hệ thân thiết hơn với chính phủ Trung Quốc. Vì vậy, việc Bắc Kinh can thiệp vào thương vụ này là dễ hiểu. Chính quyền Trung Quốc muốn gửi thông điệp đến những doanh nghiệp bị vướng vào cuộc chiến Mỹ - Trung rằng Bắc Kinh sẽ không bỏ họ lại phía sau. "Chúng tôi muốn cho các nước khác thấy rằng đây là điều mà chính phủ Trung Quốc sẽ hành động nếu bạn bắt nạt bất kỳ công ty nào của chúng tôi", Reuters dẫn lời nguồn tin thân cận.
Dù vẫn chưa biết chắc kết quả cuối cùng của cuộc đàm phán giữa hai bên, rõ ràng, tác động của chính quyền Bắc Kinh khiến việc thâu tóm TikTok không còn dễ dàng như dự đoán của người Mỹ. Ít nhất ByteDance sẽ có thêm thời gian và được quyền ra giá cao hơn so với trước đây.
Khương Nha (theo Sina)