Cuối tháng 8, các phương tiện truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin ByteDance đã chọn được đối tác bán lại TikTok và sẽ sớm công bố vào ngày 1/9. Tuy nhiên, gần một tuần trôi qua, ứng dụng vẫn thuộc quyền sở hữu của Zhang Yiming.
Khi các tin đồn về thương vụ sắp hoàn tất, chính phủ Trung Quốc bất ngờ bổ sung danh mục hàng công nghệ cấm được xuất khẩu. Theo đó, TikTok phải được sự đồng ý của chính quyền Bắc Kinh nếu muốn bán mình cho một công ty Mỹ. Quyết định này khiến mọi cuộc thương thảo trước đây phải tiến hành lại.
Theo Reuters, ByteDance và các công ty muốn mua TikTok đang xem xét bốn lựa chọn để thương vụ được tiếp tục.
Đầu tiên, ByteDance sẽ bán TikTok mà không kèm thuật toán. Điều này sẽ khiến thương vụ được đẩy nhanh tiến độ, sau đó, chủ sở hữu mới sẽ đưa ra giải pháp thay thế. Tuy nhiên, các chuyên gia công nghệ đánh giá thuật toán đề nghị video cho người dùng là "xương sống" của TikTok. Nếu không có thuật toán AI này, thương vụ chẳng khác gì đi mua một chiếc xe hơi hạng sang nhưng bên trong gắn một cỗ máy tuềnh toàng. Lựa chọn này có lợi cho TikTok nhưng các đối tác từ Mỹ sẽ khó chấp nhận.
Phương án thứ hai là ByteDance có thể đàm phán với Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) để kéo dài thời hạn hoặc tìm kiếm một cơ hội mới sau tháng 11 khi bầu cử Mỹ kết thúc.
Kịch bản thứ ba là TikTok phải thương lượng với chính quyền Trung Quốc để được bán thuật toán cho công ty Mỹ. Lựa chọn này cũng không mấy khả quan bởi các nhà phân tích cho rằng chính quyền Bắc Kinh bổ sung lệnh cấm là muốn nhắm thẳng vào thương vụ TikTok. Ngay sau đó, ByteDance cũng nói rằng họ sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của quốc gia.
Cuối cùng, chủ sở hữu mới của TikTok có thể mua quyền sử dụng thuật toán của TikTok từ ByteDance. Tuy nhiên, khả năng này cũng không quá khả quan vì chính phủ Mỹ dường như muốn TikTok phải được bán đứt cho công ty Mỹ. Họ không muốn ứng dụng này có mối liên hệ với công ty mẹ ở Trung Quốc.
Khi thời hạn của lệnh cấm đang đến gần, thương vụ ngày càng lún sâu vào bế tắc. TikTok không chỉ chịu sức ép từ chính phủ Mỹ và Trung Quốc mà ngay cả nội bộ công ty cũng đang gặp vấn đề. Cuối tháng 8, CEO Kevin Mayer bất ngờ thông báo từ chức sau ba tháng tại nhiệm. Những người trong cuộc cho biết đã có tranh cãi trong hội đồng quản trị về tương lai của TikTok. Trong khi Zhang Yiming, cha đẻ của ứng dụng muốn tìm kiếm mọi cơ hội để giữ lại công ty, các nhà đầu tư người Mỹ lại nóng lòng muốn thương vụ được hoàn tất. CEO Kevin Mayer ban đầu lên tiếng chỉ trích chính quyền Trump về lệnh cấm, nhưng sau đó ông dần đứng về phía các nhà đầu tư Mỹ và cuối cùng, ông lựa chọn rời đi khi công ty trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng.
Bán lại TikTok có lẽ là vụ "M&A" khó khăn nhất của các công ty đa quốc gia. Để tạo được một giao dịch, ngoài những thoả thuận thông thường (giá cả, chi tiết giao dịch...), TikTok còn phải tuân thủ luật pháp và quy định của hai quốc gia. Sau khi được hai chính phủ đồng ý, họ lại phải tiếp tục xoa dịu cảm xúc người dùng ở các thị trường để đảm bảo mọi thứ không bị xáo trộn. Những khó khăn cho thấy giá trị của TikTok lớn thế nào.
Khương Nha