Năm 17 tuổi, khi còn là học sinh trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP HCM, An bước chân vào lĩnh vực giải trí, truyền thông với một số vai trò nhỏ như diễn viên nghiệp dư và người dẫn chương trình.
Sau đó, An theo học ngành Quan hệ công chúng, Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP HCM. Tốt nghiệp thủ khoa năm 2015, An trở thành người sáng tạo nội dung, quản lý truyền thông và xử lý khủng hoảng cho các chương trình truyền hình có lượng người xem cao như "Ơn giời! Cậu đây rồi", "So you think you can dance". Ngoài ra, anh còn là phát thanh viên trên Đài Tiếng nói nhân dân TP HCM từ năm 2017, làm giám sát truyền thông và sáng tạo của một tập đoàn bảo hiểm lớn.
"Ánh sáng, âm nhạc và phim trường" là cách An nói về khởi đầu chặng đường làm truyền thông của mình. An từng giành nhiều giải thưởng như giải "Phim tài liệu hay nhất" cùng ê kíp trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP HCM tại Liên hoan phim sinh viên Việt Nam năm 2014; Top 24 chương trình truyền hình "Siêu thủ lĩnh" năm 2016; Video giải trí tốt nhất tại chương trình trao đổi năm 2016 của Trung tâm Đông Nam Á - Hàn Quốc; Đại sứ thiện chí chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản và Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á năm 2018.
Tuy nhiên, năm 2017, một tình huống đã khiến An đặt câu hỏi về con đường mà mình đang theo đuổi, có phải truyền thông sáng tạo chỉ để tạo ra một thế giới giải trí hào nhoáng và gây tranh cãi.
An đã trăn trở rất nhiều khi chứng kiến nỗi buồn đau dai dẳng của gia đình người bạn có con bị chẩn đoán khuyết tật vận động. Ở Việt Nam, không hiếm cảnh người khuyết tật bán vé số mưu sinh ở các ngã tư hoặc vào các nhà hàng xin lại thức ăn thừa. Với nhiều bậc cha mẹ, con cái khuyết tật là bi kịch.
Thông qua báo chí Anh, An nhận ra người khuyết tật hoàn toàn có thể tự tin điều hành doanh nghiệp, trở thành người mẫu hay diễn viên nhạc kịch được mến mộ. An cho rằng, nếu sự tự chủ và tài năng đa dạng của cộng đồng khuyết tật được truyền thông Việt Nam thấu hiểu và lan toả, xã hội sẽ có cái nhìn công bằng hơn về họ. Cộng đồng người khuyết tật cũng sẽ không tự xem mình là yếu thế và tự tin chinh phục những khao khát của bản thân.
"Kể từ đó, con đường truyền thông của tôi đã hoàn toàn thay đổi", An nói.
Năm 2018, An cùng các thành viên chương trình Sáng kiến thủ lĩnh Đông Nam Á, Hội Người Khuyết tật Hà Nội, chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc thực hiện dự án "Phim về quyền của Người khuyết tật". Nhóm của An đã hướng dẫn người khuyết tật làm phim tài liệu về chính cuộc sống của họ, xóa đi những định kiến của công chúng. Ở dự án "Nữ chiến binh", nhóm giúp những phụ nữ khuyết tật kể lại, đối diện và vượt qua nạn bạo lực tình dục thông qua các phim tài liệu, ảnh và chương trình "Điều ước thứ bảy" của Đài truyền hình Việt Nam.
Theo An, nhờ sự hỗ trợ của mạng lưới phóng viên, người nổi tiếng, truyền thông có thể tạo nên hy vọng, niềm vui và sự cổ vũ cho cộng đồng người khuyết tật. Nhận thấy cần một hành trang kiến thức, kỹ năng vững chắc hơn để đi xa hơn, An quyết định chinh phục học bổng Chevening.
Chàng trai 29 tuổi đã kể lại câu chuyện của mình trong các bài luận ứng tuyển.
An cho biết, ở vòng phỏng vấn, Ban giám khảo ấn tượng về nhiệt huyết, đam mê và sự chân thành của anh. Không cố gắng thể hiện là người hoàn hảo, An tự tin chia sẻ về những điểm yếu của bản thân và kế hoạch hoàn thiện trong môi trường học tập ở nước Anh.
Theo An, ứng viên nộp đơn ứng tuyển học bổng chính phủ thường chọn các ngành mũi nhọn như kinh tế, môi trường hay giáo dục nhưng An chọn một ngành khác biệt: Truyền thông, Chiến dịch và Thay đổi xã hội. An tin khi sự nghiệp của mình tạo được sự thay đổi tích cực tới cộng đồng, hội đồng tuyển sinh sẽ nhìn thấy.
"Khi hội đồng học bổng chọn lọc ứng viên, họ không chỉ cho bạn cơ hội để làm tốt hơn công việc hay sự nghiệp của bạn, bạn phải là người có khả năng mang kiến thức đó và tạo giá trị nhiều hơn đến nhiều người khác", An chia sẻ sau khi bay sang Anh hồi cuối tháng 9 để theo học tại tại Đại học Westminster.
Bà Nguyễn Minh Châu, cán bộ dự án "Quyền của Người khuyết tật", Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, nói An có khả năng truyền thông và mạng lưới rộng lớn. Bà Châu tin học bổng sẽ giúp An tiến xa trong sự nghiệp, góp phần truyền thông ủng hộ quyền bình đẳng của người khuyết tật và những người dễ bị tổn thương khác.
Ông Vũ Quốc Anh, nguyên Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP HCM, đánh giá Hoàng An là một người truyền cảm hứng, luôn "cháy" hết mình, sáng tạo nên những giá trị qua việc ứng dụng các khóa học vào sự nghiệp.
Từ truyền thông giải trí rẽ sang truyền thông xã hội, nền tảng cũ giúp anh lan toả mạnh mẽ hơn các giá trị xã hội khi kết hợp với yếu tố giải trí, người nổi tiếng.
"Tôi tin truyền thông sẽ giúp truyền đạt năng lượng tích cực từ cộng đồng người yếu thế đến muôn người", An nói.
Lệ Thu