Ông Ngô Quang Xuân. |
Ngô Quang Xuân, Đại sứ VN tại WTO: "Sau khi gia nhập, VN tiếp tục cần một đội ngũ đàm phán thật mạnh để tích cực đóng góp vào các vòng đàm phán trong khuôn khổ của WTO. Các cuộc đàm phán này còn phức tạp và khó khăn hơn nhiều so với quá trình đàm phán để gia nhập, bởi đây là cuộc chiến tìm chỗ đứng trên thị trường quốc tế cho hàng hóa VN ở từng ngành hàng, từng lĩnh vực cụ thể. Ngoài sự cần thiết phải tự bươn chải để bảo vệ mình sao cho ít bị thua thiệt, VN sẽ cần phải hợp tác chặt chẽ với các nước cùng chung lợi ích để cất tiếng nói trong WTO.
Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thành lập ngày 1/1/1995 với tiền thân là GATT (Hiệp định chung về thuế quan và thương mại, ra đời năm 1948). Đây là nơi đề ra những quy định điều tiết hoạt động thương mại giữa các quốc gia trên toàn thế giới. Số thành viên hiện nay là 149 nước, ngân sách 154 triệu franc Thụy Sỹ (năm 2003) với 550 nhân viên và Tổng giám đốc Pascal Lamy. Tháng 8/1996, VN hoàn thành “Bị vong lục về chế độ ngoại thương VN” và gửi tới Ban thư ký WTO để luân chuyển đến các thành viên của ban công tác. Đầu năm 2002, VN đã gửi bản chào ban đầu về thuế quan và dịch vụ tới WTO. Tại phiên họp đa phương thứ 8 (tháng 6/2004), VN đã kết thúc đàm phán song phương với quốc gia đầu tiên là Cuba. Đến nay, VN đã trải qua 10 vòng đàm phán đa phương và kết thúc đàm phán song phương với 22 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên của WTO. Hiện chỉ còn lại 6 nước đang tiến hành đàm phán song phương với VN gồm: Mỹ, New Zealand, Mexico, Australia, Honduras và CH Dominica. |
Tuy nhiên, không phải cứ đàm phán thành công là hàng hóa VN sẽ tự tìm được chỗ đứng. Ngay từ thời điểm này, các doanh nghiệp cần khẩn trương xây dựng chiến lược cạnh tranh cho sản phẩm của mình. Hiểu rõ thế mạnh - yếu của các đối tác sẽ xâm nhập thị trường VN, tìm hiểu kỹ đặc thù của các thị trường mình muốn vươn tới và tập trung ưu tiên để xây dựng những thương hiệu mạnh là những yêu cầu khẩn cấp trước mắt.
Lần tôi về thăm quê gần đây, một bác nông dân vừa làm việc ở ngoài đồng về khi gặp tôi đã hỏi: “Chuyện vào vê-đúp-tê-ô (WTO) thế nào rồi hả chú? Liệu có gặp khó khăn gì nữa không?”. Tôi xúc động thầm nghĩ nông dân luôn đầu tắt mặt tối, vất vả làm ăn quanh năm còn quan tâm tới WTO như vậy, những nhà quản lý, nhà đàm phán, các nhà hoạch định chính sách… phải thấy rõ trách nhiệm lớn lao của mình".
Ông Steve Price Thomas.
Ông Steve Price Thomas, Trưởng đại diện Oxfam tại VN: "Hy vọng rằng VN sẽ sử dụng tất cả các công cụ hiện hành sau khi gia nhập WTO để bảo vệ lợi ích của những người nông dân nghèo nhất. Chẳng hạn như việc sử dụng hạn ngạch thuế quan đối với các sản phẩm như đường, muối và các sản phẩm nông nghiệp khác, để bảo vệ người nghèo VN khỏi bị lao đao bởi các sản phẩm nhập khẩu rẻ.Một nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ VN cần tiếp tục sử dụng các chương trình khuyến khích đầu tư vùng miền từng thành công để hỗ trợ một vài tỉnh nghèo hơn phát triển và phân bổ thành quả của tăng trưởng tới một vài khu vực kém phát triển hơn.
Bên cạnh đó, thách thức lớn mà VN sẽ phải trải qua là việc triển khai các hiệp định của WTO theo đúng cam kết. Trong đó có hiệp định về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch đầy phức tạp. Đây là những cam kết khắc nghiệt, đòi hỏi nông dân và các nhà chế biến nông nghiệp của VN muốn xuất khẩu hàng phải nhanh chóng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Chính phủ cần tiếp tục sử dụng các chương trình khuyến khích đầu tư vùng miền từng thành công để hỗ trợ một vài tỉnh nghèo hơn phát triển, và phân bổ thành quả của tăng trưởng tới một vài khu vực kém phát triển hơn. Tuy nhiên, gia nhập WTO cũng giống như việc nhảy vào một dòng sông chảy xiết trong đêm tối, tác động chính xác chưa thể biết rõ chừng nào bạn còn chưa nhảy vào. Do vậy, điều thiết yếu ở đây là VN cần gia nhập đi đôi với việc tiếp cận càng nhiều các công cụ trong khuôn khổ WTO càng tốt. Và sau khi gia nhập lại sử dụng chính những công cụ này để đảm bảo chuyến tàu WTO mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, “đặc biệt là những người nghèo nhất” ở VN".
Ông Jonathan Pincus.
Ông Jonathan Pincus, Chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP: "Điều quan trọng đối với VN trong vòng 10-15 năm tới là sử dụng tư cách thành viên của WTO để thâm nhập các thị trường trọng yếu như Mỹ và EU như thế nào?Làm sao để bên cạnh việc duy trì xuất khẩu các sản phẩm như gạo, giày dép, quần áo, VN có thể xuất khẩu thêm các sản phẩm có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao như cao su, cà phê đã qua chế biến, phần mềm, vi mạch máy tính…
Rõ ràng ở đây có hai bước. Gia nhập WTO chỉ là bước thứ nhất mở ra các cơ chế tiếp cận thị trường. Bước thứ hai chông gai hơn: sản phẩm VN đủ sức cạnh tranh tại thị trường quốc tế. Không thể phí phạm các cơ hội WTO mở ra với việc mãi sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp và sản phẩm công nghiệp nhẹ. VN cần đi sâu vào sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao để có thể thành công về dài hạn".
Ông Martin Rama.
Martin Rama - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới: "Những thách thức chính sau khi gia nhập WTO liên quan tới việc triển khai các cải cách chưa hoàn tất giúp VN có thể tận dụng tối đa tư cách thành viên WTO. Trước mắt, những cải cách gọi là “cải cách đằng sau biên giới” rất cần để củng cố khu vực tài chính, hệ thống pháp lý và cải thiện chất lượng của các dịch vụ hạ tầng cơ sở như giao thông và hậu cần thương mại, viễn thông và điện.Tăng cường quản trị cũng là một thành phần quan trọng khác của chương trình cải cách chưa hoàn thiện tại VN. Điều này đòi hỏi VN tiếp tục cải cách quản lý tài chính công, hành chính thuế và hải quan, quản lý nợ công tốt hơn và tăng cường minh bạch trong mua sắm của chính phủ.
Tôi nghĩ, VN cần có một yêu cầu mạnh mẽ trong việc chiến đấu chống lại tham nhũng, đặc biệt là vào thời điểm tăng trưởng kinh tế đang tạo cơ hội cho tham nhũng phát triển nhanh hơn việc cải thiện hệ thống cơ quan công quyền".
Chặng đường đã đi… Tháng 1/1995: VN nộp đơn xin gia nhập WTO. Tháng 4/2002: bắt đầu từ phiên họp 5 của Ban công tác, VN tiến hành đàm phán song phương với một số thành viên trên cơ sở bản chào ban đầu về thuế quan và dịch vụ. Ngày 9/10/2004: Bộ trưởng Thương mại VN Trương Đình Tuyển và Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu Pascal Lamy tuyên bố tại Hà Nội rằng VN và EU đạt thỏa thuận về việc VN gia nhập WTO. Ngày 9/6/2005: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản Takashima Hatshuisa thông báo VN và Nhật Bản đạt được thỏa thuận cơ bản về vấn đề mở đường cho VN sớm gia nhập WTO. Ngày 12/6/2005: VN cử một phái đoàn đàm phán hùng hậu sang Washington trước thềm chuyến thăm Mỹ chính thức của Thủ tướng Phan Văn Khải với quyết tâm đi đến kết thúc đàm phán song phương. Ngày 18/7/2005: Thỏa thuận về việc mở cửa thị trường để VN gia nhập WTO giữa VN và Trung Quốc được Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Bạc Hy Lai ký kết tại Bắc Kinh. Ngày 17/11/2005: Thứ trưởng Thương mại Mỹ David A.Sampson thăm Hà Nội, bày tỏ hy vọng đàm phán Việt- Mỹ về WTO có thể kết thúc vào mùa xuân năm 2006. Ngày 13/12/2005: VN tiếp tục tham dự Hội nghị bộ trưởng WTO tại Hong Kong với tư cách quan sát viên. |
(Theo Tuổi Trẻ)