Giai đoạn thứ nhất mới chỉ là... "phát súng cảnh cáo" của CFA, dựa vào Luật Ngân sách nông nghiệp 107-76 của Mỹ để cấm cá basa của Việt Nam được nhập vào nước này với tên gọi catfish. Hiệp đấu thứ hai, cũng do CFA khơi mào, được bảo trợ bởi đạo luật HR.2646 cấm hoàn toàn việc dùng tên catfish cho các loài cá tra, cá basa của Việt Nam trong tất cả các khâu bán lẻ, bán sỉ, nhà hàng, thông tin, quảng cáo... trong vòng 5 năm. Chưa dừng ở đây, CFA vin tiếp vào điều khoản 10806 của đạo luật An ninh nông trại và Đầu tư nông thôn mới nhất để xác lập chủ quyền tuyệt đối trên thương hiệu catfish. Chốt lại cuộc chiến này, CFA mở một đợt tấn công khác: khởi kiện các doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá.
Những bước đi của bên nguyên
CFA đã có tính toán rất kỹ lưỡng cho cuộc đi kiện lần này. Có thể thấy rõ điều đó ngay từ cách đệ đơn kiện lên Ủy ban Hiệp thương Quốc tế Mỹ: nộp đơn vào đúng 4h chiều ngày làm việc cuối cùng trong tuần (thứ sáu, 28/6). Theo luật Mỹ thì chỉ sau 20 ngày nhận đơn kiện, bên bị kiện sẽ phải điều trần trước Ủy ban Hiệp thương Quốc tế. Như vậy, có thể hiểu phía Việt Nam đã mất đi 3 ngày để chuẩn bị cho cuộc giải trình lần 1 này (thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật).
Là đơn kiện nhưng khối lượng khá đồ sộ với hơn 200 trang kèm theo 37 phụ lục, trong đó phân tích chi tiết về tình hình thị trường cá nheo Mỹ, thị phần cá da trơn filê đông lạnh của Việt Nam tại Mỹ cũng như ảnh hưởng của sản phẩm "rẻ tiền" (theo cách gọi của CFA) đối với ngành sản xuất trong nước.
![]() |
Ronnie Show |
Tiếp đó, đến ngày thứ hai đầu tuần (2/7), hai nghị sĩ Mike Ross và Ronnie Shows, đại diện cho CFA lại gửi thư trực tiếp đến bà Deanna Tanner Okun, Chủ tịch Ủy ban Hiệp thương Quốc tế Mỹ, nêu luận điểm: "Đại diện cho những người nuôi catfish Mỹ, chúng tôi khẩn cấp đề nghị Ủy ban cân nhắc một cách có thiện chí đối với đơn kiện của CFA về việc cá basa, cá tra filê đông lạnh nhập từ Việt Nam được bán phá giá, gây cạnh
![]() |
Mike Ross |
Lá thư dài 2 trang này còn giãi bày lý do tại sao CFA lại phải đi kiện những nhà xuất, nhập khẩu cá da trơn đông lạnh Việt Nam. Trong đó, nói đi nói lại việc cá da trơn Việt Nam cố tình được nhập vào Mỹ dưới cái tên catfish khiến cho ngành sản xuất trong nước lao đao và quy chụp đó là "một trong những kiểu kinh doanh thiếu lành mạnh mà các nhà nhập khẩu cá tra, basa đông lạnh từ Việt Nam áp dụng để đột nhập vào thị trường catfish Mỹ". Còn việc doanh số bán cá tra, basa filê đông lạnh Việt Nam liên tục tăng trong những năm qua, lá thư này cho rằng, đó là nhờ việc áp dụng mức giá bán quá ư bất hợp lý. Từ luận điểm này, hai nghị sĩ Mike Ross và Ronnie Shows đưa đến kết luận: "Luật chống bán phá giá hiện nay là liệu pháp duy nhất mà ngành sản xuất trong nước có thể trông cậy để chống lại việc kinh doanh đầy phi lý và bất công này".
Mặc dù đã kiên quyết phản đối cá da trơn Việt Nam được nhập vào Mỹ dưới cái tên catfish, hai ông nghị sĩ này lại đòi hỏi cá Việt Nam phải chịu thuế như thuế nhập khẩu catfish: "Cá tra, basa đông lạnh Việt Nam thâm nhập thị trường Mỹ dưới nhãn mác “catfish” đã tăng từ 2 triệu pound năm 1999 lên tới hơn 17 triệu pound năm 2001. Hơn 3 triệu pound sản phẩm này tiếp tục được nhập dưới cái tên “catfish” trong 4 tháng đầu năm nay. Điều đó cũng cho thấy, lượng cá tra, basa Việt Nam được nhập vào Mỹ dưới nhãn mác catfish nhưng lại không chịu thuế như thuế nhập khẩu catfish.
Cuối lá thư, hai ông Ross và Ronnie Shows tiếp tục chỉ rõ mức độ nguy hại của các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ đối với ngành nuôi trồng và chế biến catfish Mỹ, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế địa phương. Rồi từ đó, khẩn thiết yêu cầu: "Một lần nữa, chúng tôi đề nghị Ủy ban cẩn trọng xem xét tới yêu cầu cấp thiết của ngành nuôi trồng catfish để bảo vệ cho ngành sản xuất quan trọng này khỏi những nguy cơ mà các sản phẩm cá tra, basa đông lạnh nhập từ Việt Nam mang lại. Kính mong bà yêu cầu các thành viên của Ủy ban thường xuyên theo dõi diễn tiến của vụ việc này..."
Luật sư của phía CFA
![]() |
Valerie A.Slater, đại diện của Akin Gump |
Hãng luật mà CFA chọn mặt gửi vàng lần này là công ty Akin Gump. Công ty luật này mới đây cũng đã gửi lên Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Donald L.Evans, Thư ký Ủy ban Hiệp thương Quốc tế Mỹ, Marilyn R.Abbott lá đơn kiện liên quan tới vụ việc mà CFA nhờ cậy. Nội dung lá đơn nêu: "Chúng tôi đệ trình lên Bộ Thương mại Mỹ và Ủy ban Hiệp thương Quốc tế Mỹ đơn kiện về việc cá filê đông lạnh của Việt Nam được bán phá giá trên thị trường, chiểu theo điều 731 và 732 (b) của Điều luật Thuế quan Mỹ năm 1930". Ngay trong phần đầu của đơn kiện, Akin Gump không quên khuyến cáo về việc phải tuyệt đối bảo mật thông tin trong lá đơn nhằm "bảo đảm lợi thế cạnh tranh" trong vụ kiện này cho CFA.
Tập tài liệu kèm theo lá đơn dài hơn 60 trang, gồm 5 phần với nội dung: thông tin chung nhất liên quan tới vụ kiện; dẫn chứng và lý lẽ chứng tỏ cá filê đông lạnh nhập từ Việt Nam được bán với giá thấp hơn giá trị thực, trong đó có so sánh giá bán cá trên thị trường Mỹ với chuẩn mực giá thành của nền kinh tế phi thị trường hiện nay của Việt Nam và so sánh với mức giá của Ấn Độ (một nước có nền kinh tế có trình độ phát triển tương đương với Việt Nam); những tính toán về giá trị thực của sản phẩm (bao gồm các chi phí đầu vào như tiền mua cá nguyên liệu, phần hao hụt, tiền nước, điện, các nhiên liệu khác, chi phí đóng gói sản phẩm, nhân công và các chi phí sản xuất khác), giá xuất khẩu và khoảng chênh lệch bán phá giá (ước tính); chứng cớ và lập luận cho quan điểm rằng: chính cá tra, basa filê đông lạnh nhập từ Việt Nam đã gây tổn hại cho ngành sản xuất trong nước...
Kèm theo các tài liệu trên là bản chứng thực của đại diện Akin Gump, bà Valerie A.Slater (với tư cách luật sư bên nguyên đơn) và 5 cam kết viết tay của Chủ tịch, Phó chủ tịch và các thành viên CFA nhằm chứng nhận rằng những thông tin mà họ đưa ra kiện là hoàn toàn không ngược lại sự thật
Việt Nam đã sẵn sàng
Trong số danh sách 53 nhà chế biến thuỷ sản Việt Nam mà CFA cùng 8 doanh nghiệp chế biến thủy sản Mỹ (theo lời CFA là đại diện của các nhà chế biến cá nheo của Mỹ) đưa vào đơn kiện có cả những doanh nghiệp chưa bao giờ xuất khẩu cá sang thị trường nước này. Thậm chí có tên nhiều đơn vị bị lặp lại 2 lần. Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được rằng điều đó có thể không quan trọng với luật pháp của Mỹ.
Ở đây, điểm đáng chú ý là trong đơn kiện, CFA đã liên tiếp lặp lại nhiều lần rằng, cá basa, cá tra filê đông lạnh nhập từ Việt Nam đang gây thiệt hại lớn đối với các nhà nuôi trồng và chế biến catfish trong nước. Hơn thế, CFA đã lấy so sánh điều kiện nuôi trồng của Mỹ để đưa ra khẳng định: Cá basa, cá tra Việt Nam bán phá giá.
"Việt Nam không giàu có để có thể đi bán phá giá" - Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng khẳng định như vậy. Sở dĩ cá basa của nước ta rẻ là do kỹ thuật, điều kiện nuôi trồng của Việt Nam rất tốt. Ở nhiều địa phương đã phát triển làng bè với kỹ thuật nuôi được cải tiến từ lồng, thiết bị bơm quạt nước đến việc nâng cao thành phần dinh dưỡng trong thức ăn. Thậm chí người nuôi trồng còn mở rộng từ nuôi bè sang nuôi ao và nuôi trong quầng đăng trên sông. Nhờ vậy mà sản lượng và năng suất nuôi trồng đã không ngừng tăng lên trong nhiều năm.
Các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể chứng minh được những sự thật nêu trên. Tuy nhiên, trong đơn kiện CFA đã đưa ra đề nghị cách tính biểu thuế chống bán phá giá rất đáng lưu ý: CFA đưa ra hai phương án tính biểu thuế: nếu Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường thì cách tính giá phải theo kiểu của Mỹ và nếu Việt Nam bán phá giá thì mức thuế chống bán phá giá sẽ là 144%. Còn nếu Việt Nam không được công nhận là nước có nền kinh tế thị trường thì sẽ lấy mức giá cá của Ấn Độ - nước mà CFA cho rằng có trình độ phát triển tương đương - để áp vào cách tính giá cá basa của Việt Nam (nếu có bán phá giá, mức thuế áp dụng sẽ là 191%). Các yếu tố để tính giá sẽ là: giá cá nuôi sống, giá phế liệu, bao bì, đóng gói, nhân công lao động....
Tất cả các doanh nghiệp trong Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đều cho rằng, đây là một vụ kiện quá phi lý và vô căn cứ, song họ không ngại ngần đối mặt. Chỉ còn 10 ngày nữa là đến buổi điều trần trước Uỷ ban Hiệp thương Quốc tế Mỹ, công việc của họ lúc này là cùng với công ty luật White & Case chuẩn bị những tài liệu để minh chứng cho một sự thật duy nhất mà chúng ta đang nắm giữ trong vụ kiện này. Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, thì việc thuê công ty luật đứng thứ năm của Mỹ là để tìm cách tốt nhất đối thoại với CFA chứ không phải đối đầu.
Lịch trình làm việc dự kiến của Ủy ban Hiệp thương quốc tế Mỹ về đợt điều tra bước 1 mã số 731-TA-1012 liên quan tới loại cá filê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam
*Danh sách nhân viên chịu trách nhiệm thi hành nhiệm vụ
1/ Điều tra viên: Larry Reavis
2/ Chuyên gia phân tích về hàng hóa: Roger Corey
3/ Chuyên gia kinh tế: John Giamalva
4/ Kế toán/kiểm toán viên: Jim Stewart
5/ Luật sư: Mary Jane Alves
6/ Cán bộ giám sát: George Deyman
*Lịch làm việc
1. Nhận đơn đơn kiến nghị: 28/06/2002
2. Thăm dò ý kiến:
- Nộp báo cáo sơ bộ cho cán bộ giám sát: 01/07/2002
- Báo cáo với giám đốc kế hoạch, trưởng ban quản lý ngân sách: 02/07/2002
- Trao đổi bằng thư từ: 02/07/2002
- Nhận phúc đáp: 15/07/2002
3. Khảo sát thực tế: Theo yêu cầu công việc
4. Hội thẩm: 19/07/2002 (9h30 sáng, giờ địa phương)
5. Kết luận ban đầu về trách nhiệm của các bên: 24/07/2002
6. Báo cáo với Ủy ban:
- Báo cáo sơ bộ với cán bộ giám sát điều tra: 26/07/2002
- Trình báo cáo sơ bộ lên cơ quan cấp cao: 31/07/2002
7. Nộp biên bản ghi các điều khoản pháp lý lên Ủy ban: 06/08/2002
8. Kết luận và bỏ phiếu (ngày dự kiến): 09/08/2002
9. Phán quyết của trọng tài kinh tế: 12/08/2002
10. Tổng kết: 19/08/2002.
Thanh Thủy - Thanh Hải