Kinh tế khó khăn, lãi suất tiền gửi ngân hàng xuống thấp (7% một năm kỳ hạn dưới 6 tháng), các kênh đầu tư khác ảm đạm là cơ hội cho loại hình kiếm lời này. Nhân viên của những công ty có dịch vụ ủy thác đầu tư liên tục tìm cách tiếp cận khách hàng qua email, tin nhắn hoặc gọi điện.
Chị Thanh, nhân viên công ty du lịch tại quận 10, TP HCM thường nhận được mail, tin nhắn của một nhân viên tự xưng thuộc tập đoàn chuyên về đầu tư tài chính có trụ sở tại quận 3. Cô tư vấn viên này giới thiệu, công ty có chương trình đầu tư ủy thác, với mức sinh lời rất cao. Nếu khách gửi vào số tiền tối thiểu 60 triệu đồng với kỳ hạn 6 tháng sẽ được hưởng lãi suất lên đến 36% một năm (3% một tháng). Các kỳ hạn 2 tháng, 4 tháng lãi suất lần lượt là 24% và 30% một năm.
Lời chào mời ủy thác đầu tư trên các diễn đàn, trang mạng. Ảnh chụp màn hình. |
Với lãi suất lên tới 36% một năm (cao gấp 5 lần so với gửi tiết kiệm), lại được các nhân viên trấn an tâm lý, nhiều người dao động giữa hai chọn lựa là gửi ngân hàng hay ủy thác đầu tư.
"Vừa bán đất được khoảng 200 triệu đồng, lại nhận được lời tiếp thị quá hấp dẫn của cô nhân viên môi giới, mình đang rất đắn đo không biết nên đem đi ủy thác khoảng tiền này để hưởng lợi suất cao hay gửi ngân hàng cho an toàn", chị Thủy, quận 3, TP HCM tâm sự.
Với vai trò nhà đầu tư, phóng viên VnExpress.net tiếp xúc với nhân viên môi giới của một công ty có dịch vụ ủy thác đầu tư. Khi tỏ ra hoài nghi về mức sinh lời 36% một năm, nhân viên này trấn an hãy hoàn toàn yên tâm vào khoản tiền ủy thác. Vì họ là công ty đầu tư tài chính hàng đầu, thu nhập chính là từ kinh doanh ngoại hối (forex), bất động sản và khoản đầu tư này rất an toàn.
Để củng cố thêm lòng tin cho khách, cô này còn khẳng định, hoạt động kinh doanh ngoại hối (forex) của công ty là hoàn toàn hợp pháp và được cấp giấy phép hẳn hoi (thực tế thì hoạt động này vẫn đang bị cấm tại Việt Nam).
Trao đổi với VnExpress.net về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP HCM cho biết, nếu các công ty không có chức năng nhận uỷ thác đầu tư mà vẫn triển khai hoạt động này là vi phạm. "Nếu chứng minh được đây là hành vi nhận tiền gửi (hay gọi là ủy thác đầu tư) dựa trên quy định luật các tổ chức tín dụng thì chúng tôi sẽ tiến hành xử lý theo quy định hoạt động ngân hàng không phép", ông Minh nói.
Một số nơi nhận ủy thác đầu tư tư nhân chào mời hấp dẫn như: nếu khách gửi vào số tiền tối thiểu 60 triệu đồng với kỳ hạn 6 tháng sẽ được hưởng lãi suất lên đến 36% một năm. Ảnh: Anh Quân |
TS Lê Vũ Nam, Trưởng Khoa Luật, Đại học Kinh tế -Luật thuộc Đại học Quốc gia TP HCM cho rằng, ủy thác đầu tư là một hoạt động phức tạp, chứa đựng nhiều rủi ro và dễ phát sinh tranh chấp.
Theo ông, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, pháp luật hiện hành quy định hoạt động đầu tư ủy thác thuộc lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tổ chức nhận ủy thác đầu tư phải đáp ứng những điều kiện nhất định về vốn, về chuyên môn nghiệp vụ và phải công khai danh mục đầu tư, có nghĩa vụ cảnh báo các nhà đầu tư về những rủi ro mà họ có thể gặp phải đồng thời chịu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực chuyên ngành.
Theo quy định của Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2010 và Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán năm 2010, Nghị định 58 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán thì chỉ có ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ là những định chế tài chính trung gian được nhận ủy thác vốn của tổ chức, cá nhân để thực hiện các họat động đầu tư.
Như vậy, việc một số doanh nghiệp tiến hành nhận ủy thác đầu tư mà chưa đáp ứng các điều kiện hoặc không được tổ chức và hoạt động theo những mô hình nêu trên là chưa phù hợp với quy định của pháp luật và nếu hoạt động này trở nên phổ biến thì có thể tạo ra rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư và cả hệ thống tài chính-tiền tệ cũng như cho toàn bộ nền kinh tế.
Ông cho rằng, rủi ro lớn nhất đối với nhà đầu tư khi ủy thác vốn cho một doanh nghiệp không có chức năng nhận ủy thác là mất số vốn đã ủy thác. Việc tổ chức, cá nhân có nhu cầu sinh lợi từ nguồn vốn tích lũy của mình thông qua việc ủy thác quản lý đầu tư là một nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro, nhà đầu tư cần kiểm tra xem tổ chức nhận ủy thác đầu tư có chức năng nhận ủy thác đầu tư hay không, có kinh nghiệm và chuyên nghiệp trong lĩnh vực mà tổ chức đó sẽ sử dụng vốn của nhà đầu tư để đầu tư hay không và đặc biệt là không nên tin vào những mức lãi suất hoặc lợi nhuận cao “ngất ngưởng” đến mức vô lý mà tổ chức nhận ủy thác cam kết mang lại.
Trước đây, câu chuyện xôn xao của 7 nhà đầu tư ủy thác tiền vào Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Hà Nội Vàng (HGI) chi nhánh miền Nam, gửi đơn tố cáo việc công ty này không chịu trả lại tiền ủy thác đầu tư năm 2012 là một ví dụ điển hình. 7 vị khách hàng này có hợp đồng ủy thác đầu tư với HGI ký từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2012 với lãi suất cuối kỳ từ 2,5-3%/tháng, tổng cộng số tiền đã ủy thác là 1,7 tỷ đồng.
Một chuyên gia khác cũng cảnh báo thêm, rủi ro vẫn có thể xảy ra với ủy thác đầu tư vào chính các công ty quản lý quỹ… Và trong trường hợp bên ủy thác không nhận lại được tiền, có thể khởi kiện ra tòa và yêu cầu tòa án phong tỏa tài sản của công ty để sau đó phân định trách nhiệm và trả lại tiền cho người ủy thác. Tuy nhiên, nếu công ty đã bị mất khả năng thanh khoản hay nói cách khác sắp phá sản thì khả năng mất trắng của người ủy thác vẫn hoàn toàn xảy ra.
"Người dân nên tỉnh táo, không nên chạy theo lợi nhuận cao mà hãy quan tâm vào sự an toàn của nguồn vốn", ông nói.
Lệ Thanh