Nhiều thuê bao của Viettel không thực hiện được cuộc gọi sang mạng của VNPT. Ảnh: Anh Tuấn |
Cuối tuần qua, Bộ Quốc phòng có công văn khẩn đề nghị Chính phủ sớm có biện pháp can thiệp để cứu nguy cho mạng di động 098 của Tổng công ty Viễn thông quân đội (Viettel), nhằm đảm bảo quyền lợi cho hơn 700.000 khách hàng đang sử dụng dịch vụ của mạng.
Theo giải trình của Viettel, kể từ khi cung cấp dịch vụ, Viettel đã đầu tư gần 2.000 tỷ đồng xây dựng và phát triển mạng đảm bảo phục vụ 5 triệu thuê bao. Song nhiều ngày nay, hàng loạt thuê bao di động 098 không thực hiện được các cuộc gọi sang mạng VinaPhone hoặc các thuê bao điện thoại cố định do Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) quản lý, dẫn đến tình trạng nhiều khách hàng ngừng sử dụng dịch vụ. Nếu như trước đây, mỗi ngày Viettel phát triển được 6.000-7.000 thuê bao di động mới, thì thời điểm hiện nay con số này đã tụt xuống còn 3.000.
Ông Dương Văn Tính, Phó tổng giám đốc Viettel, cho rằng nguyên nhân của việc nghẽn mạch này không phải lỗi của mạng 098, mà do VNPT không cho kết nối đủ dung lượng. Hiện nay, số cuộc gọi từ các thuê bao Viettel sang các mạng di động của VNPT chiếm tới trên 80%. Tuy nhiên theo ông Tính, VNPT chỉ cho kết nối chưa đầy 40% nhu cầu của mạng di động 098. Năm 2002, tỷ lệ kết nối là 38%, năm 2003 là 15%, năm 2004 25% và 6 tháng đầu năm nay tỷ lệ này là 17%.
Trước tình trạng này, từ đầu năm, Viettel đã 8 lần gửi công văn 'nhắc khéo' VNPT tăng dung lượng kết nối, nhưng không được đáp ứng đầy đủ. "Nếu tình trạng này kéo dài, chúng tôi sẽ đứng trước nguy cơ phá sản do đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông", ông Tính bức xúc.
Lâu nay, chuyện kết nối đã không còn là vấn đề riêng của doanh nghiệp nào. Bản thân S-Fone, sau hơn 3 năm triển khai mạng này, vẫn chưa đạt được thỏa thuận về việc kết nối trực tiếp với hai mạng di động của VNPT. Họ vẫn phải thực hiện kết nối đến các mạng khác qua tổng đài thứ 3 (Toll). Với lý do VNPT đưa ra là không tương thích giữa công nghệ CDMA và GSM, S-Fone luôn gặp khó khăn trong việc kết nối các cuộc gọi. Thậm chí, theo S-Fone, khi mạng gặp sự cố, VNPT sẵn sàng ngăn các cuộc gọi từ mạng khác mà không đưa ra lời giải thích nào.
Một quan chức của S-Fone cho rằng, hầu hết các nước trong khu vực và trên thế giới đều kết nối trực tiếp giữa hai mạng CDMA và GSM, duy nhất chỉ có VN là kết nối qua tổng đài trung gian Toll. Hiện S-Fone phải trả cước 250 đồng/phút kết nối qua tổng đài Toll, tương đương với 24 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên con số này cũng chưa thấm tháp vào đâu so với số tiền 474 tỷ đồng tiền kết nối mà Viettel đã phải trả cho VNPT trong năm 2004.
Trước những lời "hạch tội" của các doanh nghiệp, lập tức VNPT đã triệu tập một cuộc họp khẩn. Ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm thông tin của VNPT mở đầu cuộc họp báo chiều qua bằng câu nói: "Viettel đã thiếu trách nhiệm với khách hàng nên mới xảy ra sự thể như thế này".
Ông Việt cho rằng, thông thường các doanh nghiệp phải xây dựng mạng hoàn chỉnh trước khi bán hàng, còn Viettel lại phát triển thuê bao song song với việc hoàn chỉnh mạng lưới. "Điều này thể hiện sự non kém trong kinh doanh của họ. Viettel quá nôn nóng trong kinh doanh, tìm mọi cách lôi kéo khách hàng mà không lường được sức mình nên mới xảy ra sự cố này. Lưu lượng khách hàng tăng quá nhanh nhưng năng lực Viettel lại không đáp ứng được nên mới xảy ra như vậy. Rõ ràng năng lực của họ không đáp ứng được nhu cầu, đáng lẽ phải tự xem xét lại mình, họ lại đổ tội cho VNPT", ông Việt gay gắt. Ông thậm chí còn cho rằng cáo buộc của Viettel không đúng sự thật, và những kiểu phát ngôn "bừa bãi" khi chưa có bằng chứng như vậy cần có "biện pháp xử lý".
Trong khi người phát ngôn chính của VNPT đưa ra lời lẽ khá nặng nề thì trao đổi với báo giới, Phó tổng giám đốc Trần Mạnh Hùng lại tỏ ra khá bình tĩnh. Ông cho rằng, không phải VNPT gây khó dễ cho Viettel, mà tổng đài chuyển mạch của VNPT đang áp dụng công nghệ cũ, nếu tiếp tục đầu tư mở rộng dung lượng cho Viettel sẽ không hiệu quả về kinh tế; trong khi đó thì Viettel được phép kết nối trực tiếp với các tổng đài nội hạt của VNPT, không cần thông qua tổng đài chuyển mạch.
Ông Hùng cho rằng không thể để tất cả các doanh nghiệp bám vào tổng đài chuyển mạch của VNPT, vì trong trường hợp có sự cố thì toàn bộ hệ thống liên lạc của các doanh nghiệp sẽ phải ngừng hoạt động. Khi đó thiệt hại sẽ rất lớn và không chỉ có VNPT mà các doanh nghiệp khác cũng "chết theo".
Dù giải thích như vậy nhưng ông Hùng cho biết VNPT cũng đã quyết định đầu tư mở rộng dung lượng tổng đài chuyển mạch để ứng cứu Viettel, dự kiến việc mở rộng này sẽ kéo dài trong ba tháng. Ngoài ra, ông Hùng cho hay VNPT đã chỉ đạo bưu điện các tỉnh, thành tạo điều kiện cho Viettel được kết nối trực tiếp với các tổng đài nội hạt.
Trước cuộc khẩu chiến của các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Lê Nam Thắng cho rằng, việc kết nối giữa các doanh nghiệp phải được thực hiện đúng quy định của Pháp lệnh bưu chính viễn thông và đặc biệt là thỏa thuận về kết nối mà hai bên ký với nhau và được Bộ phê duyệt.
"Về phía Bộ thì chúng tôi cũng phải nghe ý kiến cụ thể của cả Viettel và VNPT để tìm ra các nguyên nhân khách quan, chủ quan, xem lỗi thuộc về ai và đề ra các biện pháp khắc phục", ông nói. Thứ trưởng cho rằng, hiện mới có một số công văn của Viettel, do vậy chưa đủ thông tin cần thiết để kết luận, đặc biệt là việc kết nối liên quan đến rất nhiều các vấn đề nghiệp vụ kỹ thuật.
Giải thích về việc tranh cãi kết nối giữa các doanh nghiệp trong suốt 5 năm qua, ông Thắng cho rằng, những năm trước việc kết nối chưa phải là vấn đề nóng bỏng. Tuy nhiên, thời gian qua, các doanh nghiệp ồ ạt khuyến mãi, giảm giá cước khiến thị trường viễn thông biến động, lượng thuê bao phát triển nhanh, hạ tầng mạng không đáp ứng kịp. Do vậy, cần xem sự việc trong sự biến động của thị trường chứ không phải cố định một thời điểm.
Theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, trước Viettel đã có một số doanh nghiệp khác như Saigon Postel cũng có công văn kêu về việc kết nối nhắn tin với VNPT, sau đó, Bộ cũng vào cuộc để giám sát, thúc đẩy việc kết nối. "Việc chậm trễ trong kết nối có thể coi là chuyện bình thường trong quá trình phát triển mạng viễn thông mà nhiều nước trên thế giới cũng gặp phải. Tuy nhiên, Viettel đã công văn gửi các bộ ngành liên quan lại là vấn đề quá lớn, gây ảnh hưởng đến dư luận, do vậy, Bộ đang tiếp tục xem xét cặn kẽ vấn đề và sớm có kết luận cuối cùng", ông Thắng nói.
Sáng nay, Bộ Bưu chính viễn thông triệu tập cuộc họp khẩn để lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp. Kết quả cuối cùng sẽ được báo cáo lên Văn phòng Chính phủ trong cuộc họp ngày 30/6 sắp tới.
Hồng Anh