Là một trong những điểm tham quan nổi tiếng nhất tại thủ đô Đức, Bức tường Berlin còn được biết đến với cái tên Phòng triển lãm Bờ Đông. Từ một hàng rào ngăn cách trở thành không gian nghệ thuật ngoài trời, bức tường dài 1.300 m có hơn 100 bức tranh của các nghệ sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới.
Trong đó, tác phẩm gây chú ý nhất chính là bức vẽ của họa sĩ Nga, Dmitri Vrubel, với lời đề tựa bằng tiếng Nga có nghĩa là "Chúa ơi, hãy giúp con sống sót trong tình yêu chết chóc này". Lời tựa được dịch sang tiếng Anh và trở thành tên gọi phổ biến của bức vẽ: My God, Help Me To Survive This Deadly Love.
Thoạt nhìn, nhiều người có thể nghĩ nụ hôn này chỉ là một hư cấu nghệ thuật. Tuy nhiên, Vrubel không hề tưởng tượng ra tác phẩm của mình, mà vẽ lại một khoảnh khắc thực sự xảy ra.
Ngày 4/10/1979, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, Leonid Brezhnev đến Đông Đức dự lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Cộng hòa Dân chủ Đức. Ông Brezhnev đã gặp gỡ nhiều chính khách và ký một hiệp định kinh tế vào ngày 5/10/1979. Theo đó, Liên Xô "sẽ cung cấp cho Đông Đức dầu mỏ, khí đốt và thiết bị hạt nhân cho đến năm 1990, để đổi lấy tàu, máy móc chế tạo công cụ và thiết bị hóa học", trích ấn bản New York Times năm 1979.
Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm hai ngày sau đó, nhiếp ảnh gia Pháp, Regis Bossu đã bắt được một khoảnh khắc vô giá khi lãnh đạo Cộng hòa Dân chủ Đức, Erich Honecker và Leonid Brezhnev trao nhau một nụ hôn. Đây được coi là một cử chỉ bằng hữu, kết hợp việc hôn má trong văn hóa châu Âu với mối quan hệ gắn bó giữa các nước xã hội chủ nghĩa. Màn chào hỏi này thể hiện sự gắn kết giữa Cộng hòa Dân chủ Đức và Liên Xô.
Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989, một phần của nó trở thành triển lãm nghệ thuật ngoài trời. Những bức tranh tường và graffiti nhanh chóng xuất hiện vào năm 1990, trong đó Dmitri Vrubel quyết định tái hiện kiệt tác của Regis Bossu 11 năm sau khi ảnh gốc ra đời. Vrubel tình cờ gặp bức ảnh "Nụ hôn" trong một tiệm bán đồ cũ ở Paris và dùng nó làm hình mẫu của mình, theo Stripes.
Tác phẩm của Vrubel gây tiếng vang lớn khi liên tục được chụp lại và tái bản, nhiều công ty còn dùng nó làm chất liệu in trên áo phông, khăn tắm, quà lưu niệm... Thậm chí, khách sạn East-Side tại Berlin còn lấy bức tranh làm logo.
Tuy nhiên, bức vẽ này cũng trải qua nhiều thăng trầm. Năm 2009, nó cùng nhiều hình ảnh khác bị xóa bỏ khỏi Bức tường Berlin. Chính quyền giải thích rằng đây là một phần của dự án khôi phục công trình lịch sử này do thời tiết, ô nhiễm và nạn vẽ bậy đã phá hủy những bức vẽ từ sơn rẻ tiền, theo Telegraph. Họa sĩ người Nga sau đó đã được phép vẽ lại tác phẩm của mình. Chính quyền Berlin cũng chi khoảng 284.000 USD một năm để bảo tồn di tích này, theo Deutsche Welle.
Bức ảnh gốc và bản vẽ nụ hôn bằng hữu đã trở thành một hình ảnh mang tính biểu tượng, mở ra nhiều cách hiểu mới. Năm 2011, chiến dịch quảng cáo Unhate Foundation đã chỉnh sửa hình ảnh khóa môi của các nhà lãnh đạo thế giới đối đầu nhau, để truyền đi thông điệp biến hận thù thành tình yêu.
Những nhân vật được "ghép đôi" là cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez và cựu Tổng thống Mỹ, Barrack Obama; chính khách Palestine, Mahmoud Abbas và Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu; cố lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-il và cựu Tổng thống Hàn Quốc, Lee Myung-bak. Nổi bật nhất là tranh tường vẽ Tổng thống Mỹ, Donald Trump hôn Tổng thống Nga, Vladimir Putin xuất hiện vào năm 2016 tại thủ đô Vilnius, Lithuania.
Bức tường Berlin là một phần của biên giới nội địa nước Đức, chia cắt thủ đô thành hai nửa. Đây là một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của Chiến tranh Lạnh và tình trạng chia cắt của nước Đức.
Ngày nay, bạn có thể tìm thấy dấu tích của bức tường trong khắp thành phố Berlin, từ Phòng trưng bày Bờ Đông, Đài tưởng niệm Bức tường Berlin ở Bernauer Strasse, Đài tưởng niệm Berlin-Hohenschönhausen, nhà tù tạm giam Stasi, cho đến Công viên Mauerpark...
Năm 2019, Berlin sẽ kỷ niệm 30 năm ngày bức tường sụp đổ vào ngày 9/11, theo Visit Berlin. Du khách có thể khám phá điểm tham quan này miễn phí, song cần đặt trước nếu muốn đi theo tour xe đạp, tour tìm hiểu Chiến tranh Lạnh...